“Đừng đùa” với biến chủng Delta!

08:56 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Theo thống kê, tính đến hết ngày 15/8, thế giới ghi nhận 207.729.603 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.371.673 bệnh nhân đã tử vong. Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang trở thành mối đe dọa đối với nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 mà các nước đã đạt được trong nhiều tháng qua, khi làn sóng dịch bệnh gia tăng tại nhiều nước, kể cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Biến thể Delta với sự nguy hiểm khó lường đã khiến cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu chao đảo, trong đó có Việt Nam.
[Infographic] Hà Nội: Chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19 Đối phó với những diễn biến mới của đại dịch Covid-19

Lây lan chóng mặt

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 tới nay, thế giới đã ghi nhận tất cả 11 biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Trong số này, có 4 biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “đáng lo ngại cấp độ toàn cầu” gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

“Đừng đùa” với biến chủng Delta!
Biến chủng Delta đang hoành hành hiện nay có tốc độ lây nhiễm rất cao... (Ảnh minh họa)

Song Delta, với tên khoa học là biến chủng B.1.617.1 và được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 2/2021, nguy hiểm nhất và đang là chủng lây nhiễm chủ đạo trên thế giới. Bên cạnh đó, một phiên bản mới và thay đổi đôi chút của biến thể Delta, được gọi là Delta Plus, cũng đang lan rộng ở nhiều nước. Nhưng về cơ bản hai phiên bản Delta này có các thông số khá giống nhau.

Không giống các biến chủng khác, người nhiễm biến chủng Delta có thể ít triệu chứng hơn, tình trạng mất vị giác thậm chí rất ít được ghi nhận. Tờ Guardian (Anh) đưa tin, đau đầu, rát họng, chảy nước mũi, sốt nhẹ là những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến biến thể Delta. Song người nhiễm Delta cũng có rủi ro phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha (B.1.1.7 xuất hiện đầu tiên ở Anh). Ông Yevgeny Timakov - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vắc xin hàng đầu của Nga, cho biết, biến thể Delta thậm chí có thể học cách “ngụy trang” thành các bệnh nhiễm trùng hay cúm mùa thông thường do rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, đây chính là điểm nguy hiểm của chủng Delta vì tình trạng sức khỏe của người mắc sẽ xấu đi nhanh chóng, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng chỉ 3-4 ngày.

Giới chuyên gia đánh giá Delta là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, độc tố mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Kênh CNN cuối tháng 7 vừa qua công bố một điều tra cho thấy tốc độ lây lan của biến chủng này cao hơn biến chủng gốc từ 40% - 60%. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng biến thể Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu. GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn so với biến chủng Alpha. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với biến thể Alpha. Cứ 100 người tiếp xúc với người bị nhiễm Delta thì 12 người trong số đó có khả năng bị lây nhiễm. Với chủng Alpha, tỷ lệ này là 8-9 người.

Đặc biệt, biến thể Delta lây lan rất mạnh trong môi trường kín. PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) phân tích: “Trong môi trường kín, điều hòa, vi rút lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke…”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá, biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

Xác định “chung sống” an toàn

Sự bùng phát của biến chủng Delta đã khiến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của thế giới thêm muôn phần khó khăn, làm thay đổi nhanh chóng đường cong dịch bệnh tại hàng chục nước và đặt ra những thách thức chưa từng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống Covid-19 do sự lây lan của biến thể Delta.

“Đừng đùa” với biến chủng Delta!
Nếu mỗi chúng ta không tuân thủ nguyên tắc 5K sẽ là môi trường tốt để virus lây lan nhanh trong cộng đồng. (Ảnh chụp lúc 8 giờ sáng thứ hai ngày 16/8 trên đường Nguyễn Trãi không khác mấy ngày thường- Đinh Luyện)
Sáng 15/8, tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây hậu quả nặng nề, tàn phá nhiều nước trên thế giới và nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Việc chống dịch lần này là chưa có tiền lệ, do đó phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. “Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc Covid-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi - nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa - đã tăng 80% trong cùng giai đoạn. Ông Tedros nói: “Các thành tựu đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”. WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 135 quốc gia/vùng lãnh thổ, trở thành chủng vi rút SARS-CoV-2 phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay. Nhiều nước tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng Covid-19 mới do chủng Delta gây ra. Ý thức rõ về tốc độ lây lan cũng như những nguy hiểm của biến thể Delta, các nước đã siết chặt lại phòng dịch bệnh và tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm người chưa tiêm. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hơn, đặc biệt biến thể Delta dễ lây lan…

Cũng giống nhiều nước trên thế giới, biến thể Delta với tải lượng vi rút mạnh, tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, đang gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế, làm đảo lộn các thành tựu chống dịch của Việt Nam. Tính hết ngày 14/8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 265.464 ca mắc Covid-19. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta có thêm 261.463 ca bệnh lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong vì Covid-19 là 5.437 trường hợp. ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bằng chứng thống kê lâm sàng chỉ ra biến thể mới Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến thể khác.

Với sự xuất hiện của chủng Delta, và có thể cả các biến chủng khác của SARS-CoV-2 trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Người dân cần tiếp tục thực hành thông điệp 5K phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”. Đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc trên quy mô toàn cầu, để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, điều có tính chất quyết định là chúng ta phải đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc 5K. Vắc xin và 5K chính là “lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch Covid-19.

Trong khi thế giới đang rất khan hiếm vắc xin, độ phủ vắc xin chưa nhiều, chưa đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng thì nguyên tắc cơ bản mỗi người dân cần năng cao ý thức phòng bệnh bằng việc thực hiện thật tốt nguyên tắc 5K. Vậy mà tiếc thay, trong lần giãn cách thứ 2 này, trên những con phố của Thủ đô, đặc biệt vào giờ hành chính lượng người ra đường vẫn rất đông. Mục tiêu của Chính phủ và thành phố Hà Nội là tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội để “bốc” các F0 ra khỏi cộng đồng. Ấy vậy, không hiểu lý do gì “nói hoài, nói mãi” người dân vẫn cứ ra đường đông! Xin đừng đùa với chủng Delta lẫn chủng Lambada (đã xuất hiện ở Philippin và trước đó là một công dân nhập cảnh vào Nhật Bản)./.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này