Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện

09:03 | 16/08/2021
(LĐTĐ) Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối kết hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, đoàn thể..., tổ chức Công đoàn Thủ đô đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động để hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình; thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ Thành phố, là cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Những “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” tô thắm màu áo xanh Công đoàn Đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới"

Kỳ 1: “Kim chỉ nam” cho sự phát triển toàn diện của Công đoàn Thủ đô

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35/KH-TU ngày 28/7/2021 để thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02) không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ Thành phố sớm đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, mà còn là sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội đối với sự phát triển của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời kỳ mới.

Khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn

Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, lãnh đạo toàn diện tổ chức, hoạt động Công đoàn và sự phát triển của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô. Minh chứng là khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ra đời, quán triệt tinh thần của Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4/4/2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng, phát triển đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới" do LĐLĐ Thành phố tổ chức.

Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó có các định hướng, chỉ đạo trọng tâm, thiết thực đối với việc phát triển tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố, từ đó tạo tiền đề thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể khác tại doanh nghiệp.

Được sự quan tâm, lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ Công đoàn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm có 30 LĐLĐ quận, huyện, thị xã; 8 Công đoàn ngành; 5 Công đoàn Tổng Công ty và 2 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở). Trong đó, có 9.031 Công đoàn cơ sở với 609.274 đoàn viên (khu vực Nhà nước có 3.422 Công đoàn cơ sở với 195.921 đoàn viên; khu vực ngoài Nhà nước có 5.609 Công đoàn cơ sở với 413.353 đoàn viên). Tổng số cán bộ Công đoàn các cấp là 66.995 người, trong đó có 40 Tiến sĩ, 4.834 Thạc sĩ, 34.814 người có trình độ Đại học, Cao đẳng.

Tổ chức Công đoàn Thủ đô phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động liên tục được đổi mới, đa dạng hóa, tập hợp được đông đảo người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức Công đoàn.

undefined
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và động viên người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được các cấp Công đoàn phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động hăng say lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Công đoàn đã phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Thành ủy và Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố phối hợp xây dựng dự thảo Kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị.

Đúng ngày kỷ niệm 92 năm thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/2021), Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị (Kế hoạch số 35), đặc biệt Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ Thành phố trong việc sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Đó cũng là sự tin tưởng, đặt tổ chức Công đoàn vào vị trí trọng tâm trong hệ thống chính trị Thành phố, là sự trao gửi, giao nhiệm vụ của Thành ủy với tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Động lực để Công đoàn Thủ đô phát triển toàn diện

Trong Kế hoạch số 35, Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, có đủ năng lực đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động thích ứng và linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; Công đoàn Thủ đô thực sự là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ Thành phố, là cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp đoàn kết công nhân và người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi làm việc giữa Ban Dân vận Thành ủy và Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố để xây dựng dự thảo Kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

Kế hoạch số 35 của Thành ủy nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn, mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, 75% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2025, phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên Công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên thành lập được Công đoàn cơ sở; ít nhất 80% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn; trên 99% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, trong Kế hoạch số 35 của Thành ủy đã đề ra 7 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Nghị quyết; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Kế hoạch số 35 của Thành ủy nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn.

Cùng với đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn; xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, là “kim chỉ nam” cho sự phát triển toàn diện của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động.

Đó là, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và đã ký, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… Ngoài ra, Việt Nam đã ký 25 Công ước quốc tế, trong đó, Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể và sắp tới Việt Nam sẽ ký Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, những Công ước này có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức Công đoàn.

Cạnh đó, Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021, đặt ra vấn đề có thể thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế và đời sống, việc làm của công nhân lao động; số lượng công nhân lao động tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước… Tất cả đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Mai Quý

(Kỳ 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này