Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô

Kỳ cuối: Tăng tốc hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng

10:38 | 15/08/2021
(LĐTĐ) Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn dân từ ngày 27/7 trên địa bàn các quận, huyện, thị xã với 3 loại vắc xin Pfizer, AstraZeneca và Moderna. Rút kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương khác, chiến dịch tiêm tại Hà Nội đã có khởi đầu thuận lợi với những đổi mới trong công tác tổ chức, bố trí điểm tiêm hợp lý, khoa học trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng.
Kỳ 2: “Khoá chặt” đường lây của Covid-19 Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô

Đáp ứng mong mỏi của người dân

Từ khi Thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã, nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng, háo hức, chờ đợi được tiêm vắc xin lần này. Thậm chí, nhiều người bày tỏ quan điểm nếu tiêm vắc xin mất phí mà được tiêm ngay, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, họ cũng dành tiền cho việc tiêm chủng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất tích cực để tiếp cận các nguồn vắc xin Covid-19 nhằm đưa vắc xin về Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và nhiều nhất có thể để tiêm miễn phí cho người dân.

Là một trong những người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 sớm trên địa bàn Thành phố, chị Trần Thảo (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Từ khi có thông báo của chính quyền địa phương về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin, người dân trên địa bàn đã được tiếp cận thông tin và đăng ký rất dễ dàng, nhanh chóng.

Kỳ cuối: Tăng tốc hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân

"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc tổ chức tiêm chủng cho toàn dân là sự cố gắng rất lớn của ngành Y tế và chính quyền. Đặc biệt là việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Riêng tại điểm tiêm chủng phường Xuân Tảo, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, nhân viên y tế hướng dẫn và tư vấn tận tình, chu đáo nên người dân đi tiêm rất an tâm", chị Trần Thảo chia sẻ.

Tương tự chị Trần Thảo, anh Hoàng Duy Duẩn (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) vừa được tiêm vắc xin mũi 1 ngày 1/8 tại phường Đông Ngạc cho hay, anh cảm thấy mình là một trong những người may mắn được tiêm vắc xin miễn phí vừa qua. Anh Duẩn chia sẻ thêm: "Trong chung cư nơi gia đình tôi đang sinh sống, hiện chỉ có vài người được tiêm, số người đăng ký đang đợi được tiêm còn rất nhiều. Hiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, vậy nên sau khi được tiêm mũi 1 tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 mới đạt hiệu quả cao nên tôi cũng rất mong sẽ được tiêm mũi 2 khi đủ thời gian".

Đa số theo đánh giá của người dân đi tiêm chủng, công tác phòng, chống dịch tại các điểm tiêm đều được thực hiện bài bản. Để tránh tập trung đông người, đối tượng tiêm chủng được lập danh sách và mời ra tiêm theo các khung giờ khác nhau. Các điểm tiêm tuân thủ các quy định về giãn cách, không tụ tập đông người, quy trình tiêm được bố trí một chiều, phân luồng rõ ràng, cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng yêu cầu vật chất phục vụ tại điểm tiêm…

Tham gia tiêm vắc xin Covid-19 tại điểm tiêm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Nguyễn Thị Cúc (Trường Mầm non Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Tại điểm tiêm, việc tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và hiệu quả. Đặc biệt, nhân viên y tế thực hiện tiêm theo đúng quy trình, không có sự ưu tiên cho bất cứ đối tượng nào… nên người dân đi tiêm như tôi rất hài lòng. Lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19 là rất lớn, vì vậy tôi rất mong tất cả người dân trên địa bàn Thành phố đều sớm được tiêm phòng đầy đủ".

Kỳ cuối: Tăng tốc hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng
Tiêm vắc xin là cách phòng dịch bệnh Covid-19 đơn giản và hiệu quả

Được biết, bắt đầu từ ngày 7/8, nhiều quận trên địa bàn Thành phố đồng loạt triển khai công tác tiêm chủng đợt mới cho người dân. Điển hình, vừa qua, tại quận Hai Bà Trưng đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng ưu tiên trên địa bàn đợt 8 trong năm. Cụ thể, đợt tiêm thứ 8 của quận triển khai từ ngày 7 đến ngày 9/8 và thực hiện tiêm vét từ ngày 10 đến ngày 12/8. Mục tiêu là trên 95% nhóm đối tượng ưu tiên của đợt 8 đủ điều kiện tiêm chủng theo các quy định hiện hành được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Theo Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, đợt tiêm thứ 8 này quận triển khai 35 dây chuyền tiêm tại 8 điểm tiêm (Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Dệt may, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, Trạm Y tế Quỳnh Mai, Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm và Nhà Hộ sinh B). Đối tượng ưu tiên tiêm chủng đợt 8 gồm có nhân viên y tế các bệnh viện trong và ngoài công lập, phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn quận; người cao tuổi trên 65 tuổi; người làm trong các chuỗi cung ứng, khu công nghiệp; người thu ngân, người giao hàng và các đơn vị tham gia, ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…

An toàn tiêm chủng song hành an toàn phòng, chống dịch

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh, các chuyên gia y tế cho biết, hiện Hà Nội đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch "5K + vắc xin + công nghệ" của Thủ tướng thành hành động thực tế. Trong đó, chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe toàn dân, ngăn chặn đại dịch, tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: "Từ ngày 27/7, Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Dự kiến chiến dịch kéo dài từ tháng 7/2021 đến 4/2022, Hà Nội tiêm cho trên 5,1 triệu người dân theo thứ tự ưu tiên (13 đối tượng được ưu tiên), sau đó mở rộng sang các đối tượng khác. Trong đó, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn đặt ra mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất và phương châm của chiến dịch là "tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất", trong đó mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu".

Kỳ cuối: Tăng tốc hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, việc tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội vừa đảm bảo an toàn về tiêm chủng vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Được biết, tính từ ngày 27/7 đến ngày 6/8, Hà Nội đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin (chiếm hơn 10% dân số). Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với các điểm tiêm cố định và lưu động. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, khó khăn trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với Hà Nội là vừa phải dập dịch vừa phải tiêm vắc xin trong bối cảnh thực hiện giãn cách. Bên cạnh đó, lượng vắc xin được phân bổ cho Hà Nội chưa thực sự nhiều, các đối tượng được tiêm vẫn đang phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên...

Nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu của chiến dịch tiêm chủng, ông Khổng Minh Tuấn cho hay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực, nhân lực và vật lực nhằm sẵn sàng tiêm được tối đa 200.000 mũi tiêm trong một ngày ngay sau khi tiếp nhận đủ vắc xin từ Bộ Y tế.

Cho đến thời điểm hiện tại, toàn Thành phố phố đã sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm chủng, sẵn sàng về hệ thống dây chuyền lạnh để tiếp nhận vắc xin, sẵn sàng các điểm tiêm chủng đảm bảo tiêu chí vắc xin được cấp đến đâu, tổ chức tiêm ngay đến đó một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn bao gồm an toàn về tiêm chủng và an toàn về phòng, chống dịch.

"Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu trên 50% dân số trong độ tuổi được tiêm đủ hai liều vắc xin đến hết năm 2021 và trên 70% dân số trong độ tuổi được tiêm đủ hai liều vắc xin đến tháng 4/2022", ông Khổng Minh Tuấn cho biết thêm.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Khổng Minh Tuấn cho biết: "Hiện nay, có một số quốc gia đã và đang lên kế hoạch "chung sống" với dịch Covid-19 như Anh, Mỹ, Canada, Singpore… Tuy nhiên, với Việt Nam thì chúng ta cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng khi đưa ra vấn đề này.

Theo tôi, tại thời điểm này, việc chấp nhận "sống chung" với dịch Covid-19 tại Việt Nam là chưa phù hợp. Chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên định mục tiêu phòng, chống dịch, đó là ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, dập dịch nổi lên từ bên trong, khống chế sự lây lan rộng và hạn chế tối đa tử vong do dịch bệnh. Chỉ khi chúng ta khống chế được tỷ lệ ca nhiễm, tỷ lệ ca bệnh nặng, tăng khả năng đáp ứng của ngành Y tế và đặc biệt là tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đạt độ bao phủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng, lúc đó mới có thể nghĩ đến việc "sống chung" với dịch Covid-19".

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này