Nâng cao chất lượng hoạt động để xứng đáng là bạn đồng hành

13:00 | 05/08/2021
(LĐTĐ) Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, để hướng tới nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 15/NQ-LĐLĐ về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước” vừa được Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố ban hành.
Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước Phấn đấu “ở đâu có doanh nghiệp, ở đó có Công đoàn” Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở

Mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp tập trung thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện nay chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động.

Nâng cao chất lượng hoạt động để xứng đáng là bạn đồng hành
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thành lập Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh dịch vụ và thương mại Ôtô Thăng Long Việt Nam, trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên ngày 5/6/2020.

Một số nơi hoạt động Công đoàn cơ sở còn dàn trải, chủ yếu là các hoạt động bề nổi, mà chưa tập trung hướng đến nhiệm vụ cốt lõi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; vị trí, vai trò, tiếng nói của Công đoàn cơ sở, cán bộ Công đoàn cơ sở một số doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động của cán bộ Công đoàn cơ sở còn hạn chế;

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trên địa bàn Thành phố đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; tỷ lệ công nhân lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, số Công đoàn cơ sở được xếp loại hoạt động tốt hàng năm còn thấp...

Từ việc đánh giá những kết quả đạt được, mặt còn tồn tại, hạn chế và phân tích rõ nguyên nhân, Nghị quyết 15/NQ-LĐLĐ đã nêu rõ quan điểm của Liên đoàn Lao động Thành phố đồng thời đề ra mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể cho công tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thời gian tới.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố xác định sẽ đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và chủ động đổi mới toàn diện nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mục tiêu tổng quát mà Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra là việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở phải gắn với nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động của doanh nghiệp; lấy việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi, trên cơ sở hài hòa về lợi ích. Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra 3 mục tiêu cụ thể, trước hết là về phát triển đoàn viên.

Tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên công đoàn; đến năm 2025 phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở. Hàng năm có ít nhất từ 55% Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước xếp loại chất lượng hoạt động từ tốt trở lên.

Mục tiêu cụ thể thứ 2 là về thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Các cấp Công đoàn Thủ đô phấn đấu đến năm 2023 có 75% trở lên đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% xếp loại chất lượng từ B trở lên; đến năm 2025 có 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, doanh ngiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Đổi mới hoạt động Công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Nghị quyết của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, các cấp Công đoàn Thành phố sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp gồm: Đổi mới và nâng cao kết quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở;

Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp hoạt động chưa có Công đoàn cơ sở; gắn việc nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở là động lực thúc đầy công tác phát triển tổ chức; tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông các hoạt động của Công đoàn cơ sở đến với người lao động và người sử dụng lao động.

Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp gồm: Nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đặc biệt đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở; tăng cường sự kết nối, hỗ trợ thường xuyên giữa Công đoàn cấp trên với Công đoàn cấp dưới; giữa Công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; đảm bảo nguồn tài chính Công đoàn tại cơ sở và hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả.

Đáng chú ý, đối với giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, Liên đoàn Lao động Thành phố xác định hoạt động tại Công đoàn cơ sở phải tranh thủ sự ủng hộ của người sử dụng lao động, có trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và nguyện vọng số đông người lao động; hướng tới nhiệm vụ cốt lõi là:

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; xây dựng cơ chế đối thoại giữa Công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động; thực hiện có hiệu quả hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; phối hợp tổ chức tốt Hội nghị Người lao động và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc; chính sách lao động nữ; tham gia xây dựng, ban hành các Nội quy, Quy chế tại doanh nghiệp; tuyên truyền, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho công nhân lao động; giám sát thực hiện chế độ chính sách liên quan đến người lao động và giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở…

Để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ban chuyên đề Liên đoàn Lao động Thành phố; các Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở và nhấn mạnh: Các cấp Công đoàn cần nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; gắn trách nhiệm của cá nhân với kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này