Cùng chung tay bảo vệ môi trường để Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường

11:09 | 31/07/2021
(LĐTĐ) Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch gia tăng đáng kể, rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly... tăng nhanh, gây áp lực lên hệ thống xử lý rác thải của các địa phương. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân còn kém; các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý, nên tình trạng người dân xả rác bừa bãi ở nhiều nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn vẫn diễn ra, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.
Kỳ 1: Nhìn từ những khu phố văn minh

Từ rác thải dân sinh...

Trước thời điểm dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng ở Hà Nội, ghi nhận tại nhiều quán phở, bún trên các tuyến đường như Đội Cấn, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Thị Sáu, Hàng Mành, Tống Duy Tân… không khó bắt gặp hình ảnh những tờ giấy, khăn lau sau khi sử dụng vứt đầy dưới đất. Mặc dù, nhiều hàng quán đã trang bị thùng rác hoặc các rọ đựng rác, vậy mà chẳng hiểu sao, đủ các loại giấy ăn, vỏ chanh, quất… vẫn tràn lan dưới gầm bàn, ghế, nền nhà.

Ông Trần Mạnh Đạt (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) bức xúc, nhiều người lớn bây giờ không ý thức được việc xả rác ra hàng, quán như thế, khác gì tự biến mình đang ngồi ăn trên đống rác!

Cùng quan điểm với ông Đạt, chị Thu Huệ (chủ quán bún thang phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, trước đây, khi phố đi bộ được phép hoạt động, có rất nhiều người từ khắp nơi đổ về, hàng quán đông khách, cứ 1 tiếng nhân viên cửa hàng lại quét dọn cả túi rác to mang ra ngoài. Người có ý thức thì dùng xong, cho giấy vào rọ đựng rác, người thì vô tư ném xuống đất mà chẳng hề quan tâm. Nếu không dọn, có khi một buổi tối, rác ngập quán.

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường
Không khó để bắt gặp hình ảnh những tờ giấy, khăn lau sau khi sử dụng, bị các “thượng đế” thản nhiên vứt dưới đất. (Ảnh chụp trước 27/4)

Trong khi đó, tại nhiều khu dân cư cũng thường xuyên xuất hiện các đống rác bất kể ngày, đêm. Tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, tràn ra đường, Mùi hôi thối nồng nặc và nước từ đống rác chảy ra đường gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu vực...

Theo chị Nguyễn Thị Điệp, Tổ trưởng tổ môi trường số 1 - Công ty Môi trường đô thị Gia Lâm (quận Long Biên), người dân đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định khiến công nhân môi trường rất vất vả đi gom rác. Tình trạng đổ rác tùy tiện làm cho có thời điểm ở một số nơi trên địa bàn quận Long Biên rác chất thành đống vì công nhân thu gom không kịp.

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường
Rác thải sinh hoạt không được đặt đúng nơi quy định, tràn lan trên vỉa hè. (Ảnh chụp trước 27/4)

Chuyện giáo dục con cái, thế hệ trẻ về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng bị coi nhẹ. Một số bậc phụ huynh đưa đón con đi học, do thời gian eo hẹp, tạt qua quán hàng ăn sáng mua tạm chiếc bánh mỳ hay gói xôi cho con ăn tranh thủ trên đường đến trường, ăn xong, đứa trẻ cũng vô tư vứt luôn hộp nhựa, túi đựng thức ăn trên đường. Đã có trường hợp, người tham gia giao thông bất ngờ bị ném trúng người những “vật thể bay” như bã kẹo cao su, vỏ trái cây, vỏ hộp sữa... khiến họ giật mình, mất tay lái, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...

Những thùng rác công cộng với thông điệp “Hãy cho tôi xin rác” xung quanh khu vực Hồ Gươm dường như không được nhiều người chú ý, nhất là các bạn trẻ bỏ qua. Rác thải đủ loại như giấy, vỏ bánh kẹo, chai nhựa, cốc nhựa dùng một lần ,,,nằm ngổn ngang, tràn ngập nhiều tuyến đường là điều thường thấy sau các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa - văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn… Với mỗi hành động như thế, không lạ khi lễ hội kết thúc cũng là lúc đường phố ngập rác và những công nhân thu dọn vệ sinh môi trường luôn phải làm việc cho đến tận sáng hôm sau.

... Đến rác thải y tế

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương, kéo theo lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch gia tăng đáng kể, rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly... tăng nhanh, gây áp lực lên hệ thống xử lý rác thải của các địa phương.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng, nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà không được xử lý đúng quy định, sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường
Thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Mấy ngày nay chị Thủy Trần (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) đang rất băn khoăn về việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt của một số hộ dân bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19 gần nhà.

"Trong rác sinh hoạt, còn có cả rác y tế như khẩu trang, khăn giấy, băng gạc... nhiều người chưa biết cách xử lý khẩu trang sau sử dụng đúng cách, một số bỏ vào túi rác nhưng không buộc kín khiến khẩu trang rơi ra. Vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt này khi được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly có được khép kín, đảm bảo không? Nếu không, có thể gây nên những nguy cơ lây lan mầm bệnh đối với người xung quanh cũng như đối với môi trường", chị Thủy Trần cho hay.

Thành phố đã đưa vào sử dụng một số khu cách ly tập trung như Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm), Trường Đại học FPT (huyện Thạch Thất)... và một số khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo thống kê của Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 (URENCO 13), ước tính mỗi ngày, mỗi khu cách ly phát sinh khoảng 300kg rác thải y tế. Vấn đề xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội cũng là mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân địa phương trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp.

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường
Vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt khi được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần đảm bảo an toàn.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Nhiều năm nay, người dân khu vực hồ Hoàn Kiếm không còn xa lạ với nhóm các tình nguyện viên nhặt rác quanh khu vực Hồ Gươm. Bất kể ngày nắng hay mưa, mùa đông lạnh tê tái hay ngày hè nắng như đổ lửa, cứ vào cuối tuần, những tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, doanh nhân... luôn cần mẫn làm công việc thu nhặt rác xung quanh hồ.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, đại diện nhóm Trashpackers Hà Nội, cho biết, Trashpackers là cộng đồng những người tự nguyện nhặt rác, đã có mặt ở 43 quốc gia. Trashpackers được thành lập tháng 4/2018, giúp dọn rác ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, nhóm có gần 100 tình nguyện viên tham gia nhặt rác thường xuyên. Hoạt động của nhóm theo tiêu chí tự nguyện, làm sạch môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ, nơi tập trung đông khách du lịch.

Hành động đẹp của những tình nguyện viên nhặt rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đã lan tỏa đến nhiều người. Bà Mai Thị Thành (ở phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chứng kiến những người đã góp sức làm sạch môi trường, tôi và nhiều người khác cũng như được thôi thúc cùng tham gia. Hành động này đã truyền đi thông điệp hết sức ý nghĩa đến cộng đồng, đó là cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất...

1815-img-4393
Nhóm bạn trẻ, những tình nguyện viên nhặt rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh chụp trước 27/4)

Luật pháp đã có quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời, có những chế tài xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân còn kém; các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý, nên tình trạng người dân xả rác bừa bãi ở nhiều nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn vẫn diễn ra, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Trước đó, Ủy ban nhân dân dân quận Hoàn Kiếm đã đồng ý cho lắp đặt nhiều tấm biển cảnh báo tại một số tuyến phố đi bộ; đồng thời đặt camera ghi hình các hành vi đổ rác thải bừa bãi để bàn giao cho các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm "phạt nguội” sau này.

Theo đó, các biển được thiết kế dáng chữ A gọn nhẹ, đơn giản, chất liệu nhựa cứng, cao khoảng 60cm, với 2 nội dung khác nhau ở 2 mặt. Mặt có in chữ màu xanh nhắc nhở mọi người đổ rác đúng nơi quy định và mặt in chữ vàng cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác bừa bãi. Đặc biệt, trên cả 2 mặt đều có dòng chữ nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bữa bãi”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc URENCO 4, chi nhánh Đống Đa, trên địa bàn quận Đống Đa một số người dân, nhất là công nhân, sinh viên, người lao động thuê trọ còn thiếu ý thức, không đổ rác đúng giờ, thêm vào đó tại các chợ đầu mối, người buôn bán không muốn trả phí vệ sinh nên đã mang rác vứt bừa bãi ra đường. Để ngăn chặn tình trạng đổ rác sai quy định, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

1259-vr
Các hành vi đổ rác trộm được ghi hình khiến các "đối tượng" đổ trộm tâm phục khẩu phục. (Ảnh chụp trước 27/4)

Là một trong các đơn vị đảm nhiệm thu gom xử lý rác thải y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện Công ty URENCO 13 đang đảm trách thu gom, xử lý rác thải tại 23 khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố. Trong số này có Khu cách ly Thành An tại Trung tâm y tế huyện Thanh Trì; Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ; Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội... Trung bình khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển hằng ngày tại các khu cách ly do đơn vị đảm trách khoảng 1,6 tấn/ngày.

Thông tin với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty URENCO 13 Tống Việt Dũng cho biết, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu cách ly y tế tập trung, thời gian qua, Công ty đã cơ bản xử lý triệt để những vấn đề liên quan đến rác thải, môi trường. Quá trình thu gom, xử lý đều tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, có quy trình vận hành an toàn, đảm bảo các công đoạn, phương tiện và trang thiết bị đều được khử khuẩn nghiêm ngặt.

Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường
Quá trình thu gom, xử lý đều tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Để đảm bảo an toàn, người dân trong khu vực cách ly được phát túi đựng rác phân biệt theo màu; tại mỗi hành lang của khu vực cách ly đều được công ty bố trí các thùng nhựa cứng màu vàng có nắp đậy và túi đựng chất thải lây nhiễm; dán thông báo “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”, thực hiện phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định

"Rác thải tại khu cách ly khi chuyển về cơ sở xử lý được xử lý ngay trong ngày, hạn chế tối đa nguy cơ phát tán mầm bệnh. Rác thải được xử lý bằng hệ thống lò hấp nhiệt ướt nhiệt độ cao, bảo đảm tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, virus, mầm bệnh trong rác thải. Sau khi xử lý trở thành rác thải thông thường (như rác thải sinh hoạt) có thể đem chôn lấp", ông Dũng cho biết thêm.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 có khối lượng chất thải y tế nguy hại tăng đột biến.

Để xử lý loại chất thải này, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các địa phương cần cấp bách thực hiện các nội dung dưới đây:

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid- 19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị…;

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chủ động liên hệ với các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đáp ứng thì chủ động liên hệ với các địa phương lân cận để xử lý chất thải; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.

Minh Phương - Tuấn Dũng

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này