Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới

16:39 | 29/07/2021
(LĐTĐ) Để Công đoàn Thủ đô thực sự là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ Thành phố; là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân và người lao động… Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 35-KH/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Động viên lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch Tự hào về lịch sử, tiếp bước tới tương lai Chủ động thích ứng, đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và nội dung nêu trong Nghị quyết, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hiện đại, đảm bảo số lượng, chất lượng, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ 2 từ trái sang) trao hỗ trợ cho lực lượng y tế tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu gương mẫu triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết và kế hoạch của Thành ủy, gắn với thực hiện 10 Chương trình công tác của Đảng bộ Thành phố (khóa XVII) và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Thành ủy Hà Nội.

Kế hoạch nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2025: Phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên Công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở; ít nhất 80% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể;

Đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn, mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, 75% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% Thỏa ước lao động tập thể xếp loại chất lượng từ B trở lên.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cùng lãnh đạo Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội trao hỗ trợ cho công nhân khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Đến năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn; trên 99% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Để đạt những kết quả trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, một là tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, trong đó nêu rõ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Bí thư các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Thành phố… chủ trì, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Ba là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô đảm bảo về đủ số lượng thì cần nâng cao chất lượng, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, tập hợp và đoàn kết người lao động.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu đổi mới phải mạnh mẽ, thực chất hơn; đặc biệt là Công đoàn phải đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; lấy cơ sở là địa bàn, người lao động là trung tâm.

Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới
Các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng và đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn. Sáu là, xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Bảy là, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.

Với kế hoạch này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Đảng đoàn Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy xây dựng các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết trong hệ thống Công đoàn Thủ đô; phối hợp với các quận, huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy ký kết quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động Công đoàn, công tác tổ chức cán bộ và phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này