Tình Công đoàn nơi “tâm dịch”

10:31 | 27/07/2021
(LĐTĐ) Với mục tiêu tất cả vì đoàn viên, người lao động, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến dịch qua từng giai đoạn, hỗ trợ, đồng hành cùng đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.
Trao hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Trường Mầm non Tuổi Hoa Tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 Trên 4,5 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ấm lòng người lao động trong mùa dịch

Ngày 8/5/2021, ca bệnh Covid-19 đầu tiên trong công nhân lao động tại tỉnh Bắc Giang được phát hiện, là nữ công nhân tại Công ty SJ Tech (Khu Công nghiệp Vân Trung). Sau đó, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến nhanh chóng và khó lường, lan rộng trong các doanh nghiệp thuộc 4 khu công nghiệp.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, đã có 475 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, với hơn 226.000 công nhân lao động phải nghỉ việc. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có trên 67.000 công nhân lao động quê ở xa phải ở trọ hoặc đang bị cách ly trong các khu vực bị phong tỏa, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm không để người lao động bị thiếu lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã cùng các cấp, các ngành tìm mọi cách để hỗ trợ, giúp đỡ cho công nhân lao động.

Tình Công đoàn nơi “tâm dịch”
Đoàn viên công đoàn mua sắm tại “Siêu thị Công đoàn” do Liên đoàn Lao động quận Long Biên mở ra. Ảnh: B.D

“Khó khăn của chúng tôi là lực lượng công nhân lao động cần giúp đỡ quá đông, trên 67.000 người; cán bộ Công đoàn chuyên trách ít, tỷ lệ nữ đông, cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ly tán khắp nơi, thậm chí là đối tượng phải cách ly y tế nên nguồn lực của Công đoàn càng có hạn; lương thực, thực phẩm dự trữ hầu như không có; trang thiết bị phương tiện và vật tư để tham gia chống dịch thiếu thốn…

Song, khó khăn lớn nhất là không thể tiếp cận trực tiếp với công nhân do họ đã là bệnh nhân hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân nên phải cách ly nghiêm ngặt... Nhưng với quyết tâm, nỗ lực chính trị cao nhất và tinh thần vì đoàn viên, người lao động, giải pháp “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ khẩn cấp” đã ra đời và đi vào hoạt động khẩn trương, kịp thời”, ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết.

Ông Cảnh cho biết: Đối với công nhân lao động trong các khu nhà trọ, Công đoàn lựa chọn phương án thành lập 29 “Siêu thị 0 đồng” tại Nhà văn hóa của thôn, xóm; sử dụng hàng hóa, tiền của các tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp và kinh phí Công đoàn để mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu; thực hiện việc phân phối lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu theo các phiên để chủ nhà trọ nhận và phát cho công nhân.

Bình quân mỗi ngày cần trên 20 tấn gạo, hàng chục tấn rau, củ, quả và các hàng hóa thiết yếu khác với giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Qua triển khai, các “Siêu thị 0 đồng” đã thực sự là là cơ sở hậu cần quan trọng, không chỉ là nguồn sống cho công nhân lao động, mà còn hỗ trợ tới một bộ phận nhân dân khó khăn trong thôn.

Bên cạnh đó, nhằm cứu trợ công nhân ở các nhà trọ là phụ nữ có thai đến ngày sinh, nuôi con nhỏ, có mẹ già đến trông con, người thân mất, tai nạn..., Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập “Tổ cứu trợ khẩn cấp” gồm 20 người, để tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua điện thoại và Zalo, Facebook... Ngay sau khi tiếp nhận và kiểm tra thông tin chính xác, Tổ cứu trợ đã lập tức chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến công nhân lao động.

“Nhiều anh chị em cán bộ công đoàn đã không quản ngại dịch bệnh, gác lại việc riêng, ngày đêm tận tâm, tận lực, sẵn sàng mang hàng hóa đến cho công nhân lao động. Nhiều cán bộ công đoàn đã tình nguyện ở lại trụ sở Công đoàn Khu công nghiệp. Đến nay, “Tổ cứu trợ khẩn cấp” đã cứu trợ cho 3.679 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đột xuất”, ông Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

Đón nhận sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Loan (quê ở Thái Bình) đang làm việc ở tỉnh Bắc Giang xúc động bày tỏ: “Trong lúc khó khăn nhất, người lao động đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất kịp thời của tổ chức Công đoàn. Sự quan tâm của tổ chức Công đoàn giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, phải hỗ trợ một lúc cho nhiều người lao động ở nhiều địa bàn khác khau, nhưng cán bộ công đoàn đã không quản ngại hiểm nguy, vất vả, khiến chúng tôi thực sự cảm động và biết ơn”.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, chỉ sau 1 ngày đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên bị phong tỏa, trưa 10/5/2021, Liên đoàn Lao động tỉnh đã nắm được số lượng công nhân lao động phải nghỉ việc do tạm trú trong khu phong tỏa.

Nắm được tình hình đa số công nhân hàng ngày đi làm và ăn ca ở nhà máy, chỉ về khu nhà trọ nghỉ ngơi, nên hầu như không có lương thực dự trữ, Liên đoàn Lao động tỉnh lập tức xây dựng phương án hỗ trợ khẩn cấp, chỉ 2 ngày sau, những suất quà đầu tiên đã đến tay đoàn viên, người lao động làm việc trên tuyến đầu chống dịch và công nhân lao động khu vực bị phong tỏa. Đến nay, các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ cho 82.426 người lao động tạm trú trong các khu công nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ 16 tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa và tài chính Công đoàn).

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn trên cả nước đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế triển khai, bên cạnh những mô hình hiệu quả như tại “tâm dịch” Bắc Ninh, Bắc Giang, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ chín khóa XII diễn ra từ 15-16/7/2021, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận: “Các cấp Công đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mang đậm dấu ấn của Công đoàn để mỗi đoàn viên cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn của đại dịch, với nhiều mô hình như “Tổ cứu trợ khẩn cấp”, “Siêu thị 0 đồng”, tổ phòng, chống dịch ở khu nhà trọ…”.

Điển hình như Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã đề xuất mua bảo hiểm cho cán bộ y tế làm nhiệm vụ chống dịch; tổ chức ký thỏa thuận hợp tác về Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong ngành và biên bản ghi nhớ hợp tác Thực hiện thỏa thuận chung tay kêu gọi hỗ trợ đoàn viên Công đoàn ngành Y tế với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, giảm 30% mệnh giá thẻ khi tham gia Chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ Y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19”.

Tại thành phố Hà Nội, với tinh thần “Tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên”, ngày 19/7 vừa qua, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã mở “Siêu thị Công đoàn” để đoàn viên để đoàn viên công đoàn quận có Thẻ ưu đãi đoàn viên công đoàn đến Siêu thị Công đoàn mua sắm sản phẩm, hàng hóa với mức giá ưu đãi từ 10-50%.

Chia sẻ cảm nhận khi tới mua sắm tại siêu thị, chị Nguyễn Thị Thanh Ngà - đoàn viên Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: “Đến siêu thị, tôi được trực tiếp lựa chọn những sản phẩm với giá ưu đãi, rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng bên ngoài. “Siêu thị Công đoàn” do Liên đoàn Lao động quận Long Biên mở ra thực sự là điểm đến tiện ích, hỗ trợ rất thiết thực cho đoàn viên công đoàn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của hàng vạn gia đình công nhân, viên chức, lao động”.

Tình Công đoàn nơi  “tâm dịch”
Những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đầu tiên do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã lăn bánh đến với công nhân lao động đang thực hiện cách ly tập trung. Ảnh: Mai Quý

Mới đây nhất, ngày 26/7, những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đầu tiên do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã lăn bánh đến các địa điểm công nhân lao động đang thực hiện cách ly tập trung để kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo nhu cầu của người lao động và hỗ trợ cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đón nhận phần quà của tổ chức Công đoàn, chị Hoàng Thị Hương, người lao động thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam, đang cách ly tại tòa nhà CT2 (Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) xúc động bày tỏ: “Tôi thực sự rất cảm động trước sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Nhớ lại thời khắc khi biết thông tin công ty có trường hợp F0 và bản thân phải đi cách ly tập trung, tôi đã có chút hoang mang, lo lắng và bất an. Nhưng ngay sau đó, đại diện Công đoàn đã có mặt để động viên chúng tôi yên tâm cách ly và tuyên truyền, nhắc nhở chúng tôi tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh”.

Chia sẻ về mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, trong bối cảnh toàn Thành phố thực hiện Chỉ thị 17 về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động tại khu cách ly tập trung và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động Thành phố đã có sáng kiến triển khai mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để chở nhu yếu phẩm thiết yếu đến các địa điểm cách ly, trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Từ nhu cầu thực tế và đề xuất của công nhân lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố đã quyết định trích trên 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Công đoàn để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, bánh, sữa, đồ ăn hộp… để hỗ trợ công nhân lao động tại khu cách ly; đồng thời, mua gạo, mỳ chính, dầu ăn… để hỗ trợ những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch nhằm giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội dự kiến triển khai thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” trong 10 ngày và sẽ đến các cụm công nghiệp và khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố để hỗ trợ cho khoảng 20.000 công nhân lao động, mỗi công nhân lao động sẽ được nhận một suất quà trị giá 200.000 đồng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này