Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò đồng hành, điểm tựa của người lao động

09:50 | 27/07/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là dịch bệnh đã tấn công trực diện vào công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất, cùng với những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, qua đó khẳng định vị thế Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện “mục tiêu kép”. Để hiểu thêm về hoạt động của các cấp Công đoàn thời gian qua, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Hà Giang Quyết liệt triển khai hiệu quả các chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Các cấp Công đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào

Phóng viên: Thưa đồng chí, được biết đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang tấn công mạnh mẽ tới người lao động, nhất là lao động làm việc tại các khu công nghiệp khiến hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, đời sống của hàng triệu đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về tình hình, việc làm của đoàn viên, người lao động hiện nay?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Qua nắm bắt của tổ chức Công đoàn, đã có khoảng gần 14 nghìn công nhân, viên chức bị nhiễm SARS-CoV-2 và nửa triệu lao động là F1, F2, hoặc đang nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách. Cùng với đó là hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi việc làm, đời sống.

Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò đồng hành, điểm tựa của người lao động
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đáng chú ý, công nhân lao động, nhất là công nhân lao động ở doanh nghiệp nhỏ, thâm dụng lao động hoặc doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vốn dễ bị tổn thương, nay bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 khiến việc làm, đời sống của họ càng trở nên khó khăn, nhất là ở những tỉnh có động công nhân lao động ở các tỉnh phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang phải điều trị bệnh Covid-19, hơn 3 triệu công nhân lao động không thể đi làm, kéo theo thu nhập của họ bị mất, giảm sút, điều này đồng nghĩa với việc họ không có tiền để trang trải cuộc sống. Đây là khó khăn lớn nhất mà công nhân lao động đang phải vượt qua trong thời điểm này.

Cùng với đó là khó khăn trong tổ chức đời sống, chăm sóc con cái; chia sẻ vật chất, tinh thần với gia đình ở quê; tâm lý hoang mang, lo sợ về an toàn tính mạng, sức khỏe… Có thể nói, đời sống của một bộ phận công nhân lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Phóng viên: Được biết, trong bối cảnh đó, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức Công đoàn đã tích cực vào cuộc tham mưu, đề xuất và triển khai hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về các hoạt động các cấp Công đoàn đã triển khai tới đoàn viên, người lao động thời gian qua?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Từ khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ tư (từ 27/4 đến nay), các cấp Công đoàn đã có rất nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Trước hết, Công đoàn đã đi tiên phong, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo cho người lao động làm việc được an toàn và hạn chế lây lan dịch bệnh.

Công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, cũng như động viên đoàn viên, người lao động yên tâm lao động, không quá hoang mang, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.

Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò đồng hành, điểm tựa của người lao động
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm bắt tình hình tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Piagio Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động chỉ đạo các cấp Công đoàn hỗ trợ nguồn lực để tăng cường trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tại từng doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở đã chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để có phương án sản xuất hợp lý, sử dụng được nhân lực, các chế độ như: Lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đoàn viên, người lao động.

Tổ chức Công đoàn cũng đã tham gia trách nhiệm, quyết liệt vào quá trình triển khai xây dựng môi trường làm việc an toàn để sản xuất, giám sát người sử dụng lao động, người lao động chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, nhất là quy định về phòng, chống dịch.

Đối với người lao động thuộc diện F0, F1, F2, cũng như phải nghỉ làm do giãn việc, tạm hoãn hợp đồng trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế… các cấp Công đoàn đã kịp thời thăm, động viên tinh thần, đặc biệt kịp thời chăm lo, hỗ trợ về vật chất, nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống thường xuyên của họ.

Trong bối cảnh phần lớn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là lao động di cư, khi khu thuê trọ bị phong tỏa, cách ly y tế, họ không có người thân hỗ trợ, nên sự có mặt sẻ chia, động viên kịp thời của của tổ chức Công đoàn là rất cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh đoàn viên, người lao động bị cách ly, giãn cách với số lượng lớn, đã có hàng ngàn cán bộ Công đoàn ngày đêm căng mình không quản ngại hiểm nguy, vất vả, để đem được tiền, quà hỗ trợ tới đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được hình thành từ đề xuất của tổ chức Công đoàn; và những chính sách hỗ trợ chính thức từ tổ chức Công đoàn đã hỗ trợ cho hàng triệu lao động vượt qua khó khăn.

Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ ngày 27/4/2021 để góp phần san sẻ những khó khăn của người lao động; thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19;

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400; phát động Chương trình “Vắc xin cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng…

Trong đó, có thể khẳng định gói hỗ trợ theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ, ngày 19/5/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là quyết định thể hiện sự quan tâm kịp thời của tổ chức Công đoàn, qua đó giúp một bộ phận lớn người lao động vùng có dịch đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Theo đó, Quyết định đã bao phủ tới các đối tượng thuộc diện F0, F1, F2, cho đến các đối tượng khác bị ảnh hưởng do phong tỏa, cách ly y tế với mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, qua đó đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Tới nay, đã có hàng trăm ngàn người lao động được hỗ trợ.

Qua theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, phần lớn đoàn viên, người lao động, nhất là những lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều khẳng định: Tổ chức Công đoàn đã thể hiện rất rõ vai trò dẫn dắt, đồng hành và cũng là điểm tựa của người lao động.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Được biết, tại kỳ họp lần thứ chín Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII diễn ra từ 15-16/7/2021, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Xin Phó Chủ tịch cho biết, các cấp Công đoàn sẽ làm gì để đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, phải nói rằng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành khẳng định sự quan tâm đặc biệt, trao gửi nhiệm vụ, niềm tin của Đảng với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình trong giai đoạn mới của đất nước.

Để sớm đưa Nghị quyết số 02-NQ/TW cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động với các chỉ tiêu cụ thể (hằng năm, theo giai đoạn) với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ nhưng cũng thực sự đột phá mạnh mẽ.

Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò đồng hành, điểm tựa của người lao động
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thăm, động viên công nhân lao động tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức toàn hệ thống về nội dung của Nghị quyết, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra đối với Công đoàn trong bối cảnh mới. Trên cơ sở Chương trình, ban hành được các chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án để triển khai một cách quyết liệt, bài bản.

Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đề ra các chỉ tiêu phấn đấu hằng năm: Phấn đấu có 70% trở lên đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phấn đấu có 90% trở lên doanh nghiệp Nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; 95% trở lên doanh nghiệp Nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật...

Hai là, làm tốt công tác thu hút, tập hợp người lao động về với tổ chức Công đoàn, đoàn kết tất cả người lao động cùng vì mục tiêu chung. Cùng với đó, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở để số đông người lao động đều được tập hợp có tổ chức và đứng trong tổ chức Công đoàn.

Ba là, Công đoàn sẽ tích cực, chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật và các quy định liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn với phương châm: Xây dựng chính sách pháp luật là phương thức bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

Bốn là, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn, để mỗi cán bộ Công đoàn là người bạn đồng hành, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho người lao động, làm tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ người lao động. Để tổ chức Công đoàn thực sự là của người lao động, phục vụ người lao động, thì mỗi cán bộ công đoàn, nhất là ở cơ sở phải là người tâm huyết, trách nhiệm, chuyên nghiệp, trí tuệ, không ngừng sáng tạo, gắn bó mật thiết với người lao động.

Năm là, Công đoàn tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức theo hướng mở, năng động, linh hoạt để tổ chức Công đoàn có thể thu hút, tập hợp được người lao động bất kỳ lúc nào, ở đâu, trong đó có việc ứng dụng mạng xã hội, hình thành các nhóm, câu lạc bộ…

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong chỉ đạo, phải hướng mạnh về cơ sở, vì đoàn viên, người lao động; xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động phải cụ thể, thiết thực, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; lấy mong muốn, nguyện vọng của số đông người lao động làm căn cứ, mục tiêu hướng tới để thiết kế chương trình hoạt động công đoàn.

Các cấp Công đoàn cần đột phá trong cải cách hành chính, tư duy mới về hoạt động công đoàn với phương châm: Công đoàn cấp trên có nhiệm vụ phục vụ Công đoàn cấp dưới, giảm bớt giấy tờ, thủ tục, hướng tới hoạt động chăm lo thiết thực, cụ thể. Cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần thuyết phục người lao động bằng hành động chứ không phải lời nói, giấy tờ hay khẩu hiệu.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Lan Ngọc (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này