Thực hiện chính sách tam nông bằng xây dựng nền nông nghiệp có giá trị kinh tế cao

18:00 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị ưu tiên, dồn nguồn lực cho 6 huyện và 14 xã hiện chưa đạt nông thôn mới để "về đích" theo đúng kế hoạch. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại để đạt năng suất cao.
Hà Nội đề xuất xây sân bay dân dụng thứ 2 Khẳng định vai trò "trái tim của cả nước" Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Chuẩn bị sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm vắc xin

Chiều 20/7, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý II/2021 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; đồng thời cho ý kiến chuẩn bị tổ chức hội nghị cấp Thành phố tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

undefined
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số Sở, ngành Thành phố và các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Hội nghị được tổ chức với tinh thần tiết giảm tối đa thành phần dự họp, đảm bảo khoảng cách giữa các đại biểu theo quy định; các đại biểu tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và thực hiện khử khuẩn trước khi vào phòng họp.

12 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã có những giải pháp phù hợp để tập trung tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, năng suất lúa xuân năm 2021 cao hơn năm 2020, ước đạt 61,74 tạ/ha (năm 2020 là 59,67 tạ/ha); ngô năng suất đạt 53,34 tạ/ha (bằng 100,95%), tổng sản lượng ước đạt 52.156,3 tấn; rau các loại đạt 226,89 tạ/ha (bằng 100,56%), sản lượng ước đạt 529.934,7 tấn (bằng 101,92%)...

"Thành phố cũng duy trì hiệu quả 141 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp của Thành phố", ông Mỹ cho hay.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lĩnh vực chăn nuôi có sự tăng nhẹ về số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện nay, đàn trâu ước tính có 27 nghìn con, bằng 108%; đàn bò có 130,4 nghìn con, bằng 100,63%; đàn gia cầm có 39,8 triệu con, bằng 100,8%; đàn lợn khoảng 1,337 triệu con, bằng 113,67% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.400 tấn thịt bò (bằng 100,358%); 916 tấn thịt trâu (bằng 105,05%); 81 nghìn tấn thịt gia cầm (bằng 107,15%); 108,9 nghìn tấn thịt lợn (bằng 104%).

undefined
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Trong khi đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tuy không tăng về diện tích nuôi trồng, nhưng tăng về sản lượng do áp dụng phương thức thâm canh và sử dụng con giống có năng suất cao. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố là 22,8 nghìn ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 53,590 nghìn tấn (bằng 102,96% ).

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, ông Chu Phú Mỹ thông tin, Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 6 huyện còn lại, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa đang hoàn thiện hồ sơ; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

"Toàn Thành phố có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 14 xã còn lại, có 2 xã của huyện Ba Vì đã được đánh giá, chấm điểm, đủ điều kiện trình Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã ( trong đó có 5 xã của huyện Mỹ Đức, 7 xã của huyện Ba Vì) đều đạt từ 15-18 tiêu chí, phấn đấu trình Thành phố xem xét, thẩm định trước 30/9/2021", ông Mỹ cho biết.

Theo ông Chu Phú Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 96,7 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch giao trong năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách vay với tổng số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 28,5 nghìn lao động…

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra.

undefined
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cần bổ sung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp cũng như việc lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu để có các giải pháp chủ động.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp và thương mại gặp khó khăn mà chúng ta không tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp thì sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, nhất là việc cung ứng các nhu yếu phẩm", bà Nguyễn Thị Tuyến lưu ý.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các Sở, ngành, huyện, thị xã tập trung, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và có tầm cỡ trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, quan tâm phát triển kinh tế nông thôn, nhất là các Hợp tác xã để nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Về xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần ưu tiên, dồn nguồn lực cho 6 huyện và 14 xã hiện chưa đạt nông thôn mới để "về đích" theo đúng kế hoạch. Trong quá trình thẩm định, dứt khoát không để nợ các tiêu chí, nhất là về xây dựng nhà văn hóa thôn.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này