Kỳ vọng bước đột phá trong cải cách hành chính

10:14 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Từ ngày 1/7, Hà Nội thực hiện triển khai mô hình chính quyền đô thị tại 177 phường và thị xã Sơn Tây. Sau nửa tháng thực hiện, có thể thấy tại các địa phương, không khí làm việc mới với phong cách khẩn trương trên tinh thần đổi mới để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính Hà Nội: Nhiều đơn vị có bước chuyển ngoạn mục về cải cách hành chính

Nhiều ý kiến tâm huyết

Những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền đô thị, người dân Hà Nội rất hào hứng và rất hài lòng về sự đổi mới khi đi làm những thủ tục hành chính.

Bà Đinh Thị Bích Hà (ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tôi thấy các cán bộ phường dường như nỗ lực, có tinh thần trách nhiệm hơn hẳn trước đây. Việc chứng thực các giấy tờ được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Mới đây, do giấy tờ nhà để tại nhà người bà con ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, khi tôi ra chứng thực một số văn bản tại phường Kim Liên, gặp một số vướng mắc về thủ tục đã được cán bộ tư pháp hướng dẫn nhiệt tình, cặn kẽ. Đặc biệt, tôi cảm nhận có một luồng gió mới, một tinh thần mới từ mô hình chính quyền đô thị mang lại”.

Kỳ vọng bước đột phá trong cải cách hành chính
Mô hình chính quyền đô thị kỳ vọng mang lại những bước đột phá về cải cách hành chính. (Ảnh minh họa)

Rất nhiều người dân ở các địa phương kỳ vọng vào sự đổi mới trong hoạt động tại chính quyền địa phương, kỳ vọng vào một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó người dân sẽ là trung tâm, được phục vụ chu đáo. Đồng thời cũng có những kiến nghị rất xác đáng, gần gũi, thực tế…

Ông Đỗ Duy Long - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 1, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cho rằng: Khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Ủy ban nhân dân các phường cần phân định rõ mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chính quyền phường khác xã. Trong công tác quản lý trật tự đô thị cần có sự phân định rõ ràng, phải nâng cao công tác xử lý vi phạm bên cạnh tuyên truyền, vận động. Các cán bộ được giao nhiệm vụ phải thống nhất về mặt ý chí, hành động, nâng cao trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Đối với cấp lãnh đạo, phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe và xử lý kịp thời ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

“Thực hiện chính quyền đô thị đòi hỏi trách nhiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Theo tôi cần có phương án điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc”, ông Long cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Lương - Tổ phó tổ dân phố số 3, phường Trung Tự, quận Đống Đa, cho rằng: Nhân dân sẽ để ý đến từng việc khi thực hiện chính quyền đô thị mới. Chính vì vậy, đòi hỏi trình độ, năng lực của cán bộ, công chức chuyên môn phải nâng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, khi không còn Hội đồng nhân dân phường thì vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với chính quyền cũng cần được nâng cao để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Về vấn đề trật tự đô thị, ông Lương băn khoăn: Chính quyền đô thị có giải quyết được những bức xúc của nhân dân về trật tự đô thị hay không? Ủy ban nhân dân phường có đủ năng lực, thẩm quyền, có thể phối hợp với các cơ quan chức năng để bố trí sắp xếp vỉa hè, quản lý các điểm trông giữ xe…

Hướng tới cải cách hành chính

Bên cạnh sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào sự đổi mới trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, có thể cảm nhận được sự hiệu quả, tinh thần làm việc tại các phường đã được nâng lên rõ rệt. Cán bộ, công chức phường nhận rõ trách nhiệm cao cả, vinh dự của mình khi thực hiện mô hình mới.

Để mô hình chính quyền đô thị ngày càng mang lại hiệu quả, theo bà Phùng Phương Thảo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo: Các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban nhân dân quận cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận với phường, vừa hướng dẫn chuyên môn cho phường theo hướng phường đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, vừa trao đổi, bàn bạc để giúp phường tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Ví dụ như: Hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường trong điều hành ngân sách khi Ủy ban nhân dân phường không còn là một cấp ngân sách địa phương, hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường trong việc giám sát, quản lý công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đầu tư về hệ thống công nghệ thông tin, máy móc, trang thiết bị phục vụ nhân dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin đang triển khai áp dụng để giúp cho điều kiện làm việc, điều kiện quản lý của các phường được tốt hơn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thanh Lương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phương Liên, quận Đống Đa: “Mô hình chính quyền đô thị được triển khai tại cấp phường ban đầu cho thấy việc hướng tới phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.Việc chuyển đổi Chủ tịch, các Phó Chủ tịch từ cán bộ do Hội đồng nhân dân bầu ra thành công chức hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận bổ nhiệm, công chức xã phường thành công chức hành chính thuộc chỉ tiêu biên chế của Ủy ban nhân dân quận đã tạo sự bình đẳng, không phân biệt giữa các cấp công chức như trước đây (gồm công chức quận, công chức xã phường), tạo điều kiện cho công chức phường được yên tâm công tác. Đồng thời, sau thời gian ngắn triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy, cán bộ công chức cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng ứng xử để có thể đáp ứng với yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Bên cạnh đó, mô hình chính quyền đô thị yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo tại địa bàn, do đó chúng tôi luôn nâng cao tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Còn bà Phùng Phương Thảo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cho rằng: “Vai trò chủ tịch phường trong thực thi trách nhiệm sau khi được bổ nhiệm rất quan trọng. Trước đây, Chủ tịch phường ký văn bản thay mặt Ủy ban nhân dân, chỉ ký với thẩm quyền cá nhân đối với các văn bản do Luật quy định như Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định giao quyền. Đến nay, các văn bản của Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch ký trực tiếp, khi cần thì ủy quyền cho các Phó Chủ tịch ký thay Chủ tịch, đồng nghĩa với việc Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tự quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về thẩm quyền, về nội dung và những công việc chỉ đạo trong văn bản ban hành”.

Bà Thảo cũng cho biết thêm: Việc quy định công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực đã giúp giảm tải công việc của lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, để Chủ tịch, Phó Chủ tịch có thể tập trung chỉ đạo giải quyết các công việc của phường. Đồng thời việc công chức thực hiện ký chứng thực khiến Ủy ban nhân dân phường có thể phục vụ công dân ngay, giúp cho người dân rút ngắn thời gian đi lại trong giải quyết thủ tục chứng thực. Điều này góp phần khiến cho mô hình chính quyền đô thị thật sự hướng tới cải cách hành chính và phục vụ nhân dân.../.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này