Tăng năng suất từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao

16:58 | 13/07/2021
(LĐTĐ) Với mục tiêu đạt 140,5ha diện tích rau an toàn với năng suất đạt 400tạ/ha/năm, năm 2016, huyện Thanh Trì đã lập đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016 - 2021”. Đến nay, sau 5 năm thực hiện mục tiêu, cả về diện tích và năng suất vùng rau an toàn trên toàn huyện đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu.
Người dân huyện Ứng Hòa ổn định cuộc sống nhờ chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng Hà Nội mở rộng thêm diện tích sản xuất rau an toàn

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững

Nhằm phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp, huyện Thanh Trì đã đưa ra mục tiêu “phủ xanh” đất nông nghiệp bằng các vùng rau an toàn với diện tích 140,5ha đến năm 2021, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 70ha; diện tích sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao là 20ha; năng suất rau an toàn phấn đấu đạt 400tạ/ha/năm; 80% sản lượng rau được gắn thương hiệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm qua các tổ chức kinh tế; số điểm kinh doanh rau an toàn từ 5-8 điểm; giá trị sản lượng hàng hóa: 600 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Tăng năng suất từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình trồng rau an toàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao được triển khai tại huyện Thanh Trì. Ảnh Lương Hằng

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, sau khi Đề án được phê duyệt vào cuối tháng 7/2016, Ủy ban nhân dân các xã đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Đề án của huyện. Trong giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án, trên toàn huyện đã duy trì sản xuất ổn định 140,5ha rau an toàn trong đó 109ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP - tăng 77ha so với trước khi lập đề án và vượt mục tiêu 39ha; Chủng loại rau phong phú, ngoài các chủng loại rau truyền thống trồng vụ đông xuân (cà chua, bắp cải, súp lơ...) các hộ sản xuất thêm nhiều loại rau vụ hè thu (mướp, rau ngót, mùng tơi, rau muống...) năng suất bình quân đạt 495tạ/ha/năm, giá trị sản lượng hàng hóa đạt khoảng 610 triệu đồng/ha/năm vượt mục tiêu của Đề án.

Nằm trên địa bàn xã Vạn Phúc, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát đã trồng 30ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời cũng là đơn vị liên kết bao tiêu cho hàng trăm hecta rau, củ, quả của các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc và một số xã thuộc huyện Gia Lâm, huyện Chương Mỹ. Mỗi ngày, Hợp tác xã An Phát cung cấp cho thị trường 10 tấn rau, củ, quả các loại. Hiện nay An Phát có 7 sản phẩm được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm sản xuất theo hình thức liên kết sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng giữa Hợp tác xã và nông dân.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trồng rau thủy canh, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ) đã triển khai có hiệu quả mô hình trồng rau thủy canh, cung cấp nguồn rau sạch cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “So với rau truyền thống của bà con thì rau thủy canh rút ngắn ngày hơn và được trồng trong nhà lưới là môi trường hoàn toàn sạch không nhiễm khuẩn cũng như không có thuốc bảo vệ thực vật. Rau có thể trồng được quanh năm vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió, bão, nắng nôi, có thể canh tác cho năng suất cao hơn rau truyền thống, đặc biệt là an toàn hơn”.

Tại thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan hiện có diện tích trồng rau lớn, đạt 54,7ha. Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha. Trung bình hàng năm, sản lượng rau của Hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa như cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống... Phương thức chăm sóc của Hợp tác xã Đại Lan hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ, có hệ thống phun sương bằng nước sạch.

Theo đại diện của Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, kết quả cho thấy trồng rau, củ, quả theo phương pháp này hiệu quả rất cao, bình quân đạt từ 8-10 triệu đồng/1.000m2/vụ. So với trước đây, cũng trên diện tích đó sản lượng rau trồng theo phương pháp thông thường chỉ cho thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/1.000m2/vụ. Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho 5 sản phẩm rau an toàn.

Phát huy hiệu quả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Có được những kết quả vượt bậc như trên là do huyện đã xây dựng và thực hiện thành công các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, đạt mục tiêu của đề án. Mô hình trồng rau thủy canh với diện tích 2.600m2, mô hình đã đi vào sản xuất với các chủng loại: rau cải các loại, xà lách, cà chua, rau muống, dưa chuột, cà chua, dưa lưới cho thu nhập đạt khoảng 800 triệu đồng/năm. Mô hình nhóm hộ trồng rau hữu cơ tại xã Duyên Hà liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Anstcom với giá thành ổn định, diện tích bước đầu đạt 1,4ha.

Các mô hình thử nghiệm sử dụng màng phủ Passlite, che vòm nilon để sản xuất rau trái vụ là hạn chế sâu bệnh trong vụ hè. Mô hình bước đầu đã cho kết quả khả quan: Hạn chế các điều kiện bất thuận của thời tiết trong vụ hè, hạn chế tốt các đối tượng sinh vật gây hại, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng,... phát huy hiệu quả sử dụng phân bón, tăng hệ số sử dụng đất, giảm được công chăm sóc cho người sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sinh thái hướng tới nền nông nghiệp ngày càng bền vững...

Ngoài ra, trên các vùng rau an toàn còn thực hiện mô hình phân loại, xử lý và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây rau với 100 hộ tham gia. Mô hình góp phần giảm thiểu khối lượng rác thải phải đem vận chuyển và xử lý của 100 hộ dân, tiết kiệm chi phí xử lý. Nhờ vậy, trên địa bàn xã không còn tình trạng rác thải tồn đọng, nhất là khi công tác vận chuyển không kịp thời. Để phòng trừ sâu hại, tại xã Yên Mỹ, mô hình dính bẫy màu đã được thực hiện, bước đầu đạt được hiệu quả nhất định: Hạn chế được nhiều loại sâu hại, dễ thực hiện, kinh phí thấp. Tuy nhiên bẫy dính tiêu diệt cả nhiều loại thiên địch trên đồng ruộng, nếu gặp trời mưa, bẫy dính không phát huy được hiệu quả.

Một số giải pháp duy trì và phát triển vùng rau an toàn của huyện Thanh Trì trong thời gian tới cho thấy, huyện sẽ tiếp tục tập huấn cho các hộ nông dân, giám sát quá trình sản xuất nhằm duy trì diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP 109ha. Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua giống rau cho các hộ để mở rộng quy mô nhóm hộ liên kết; hỗ trợ sửa chữa, cải tạo trang thiết bị các nhà sơ chế, xây dựng kho bảo quản chế biến phục vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã quyết liệt chỉ đạo, các phòng ban và các xã tích cực vào cuộc, cơ bản đạt các mục tiêu của Đề án: cấp giấy chứng nhận VietGap cho 109ha; tổ chức sản xuất theo nhóm hộ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết sản xuất -tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm; đã hình thành một số mô hình mới, trong đó có mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao diện tích 2.600m2 tại xã Yên Mỹ.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức về rau an toàn cho người tiêu dùng; Tuyên truyền quảng bá các sản phẩm rau an toàn của huyện đến người tiêu dùng; Hỗ trợ các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất, kinh doanh rau an toàn của huyện tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm do Thành phố và Trung ương tổ chức; Phối hợp cùng các phòng ban, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn khảo sát lựa chọn thêm từ 2-3 điểm trưng bày giới thiệu nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc của huyện...

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này