Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh nhận được tiền hỗ trợ

19:25 | 11/07/2021
(LĐTĐ) Hơn 60.000 người lao động mất việc, lao động tự do,… tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội lần 2.
Thủ tục nhận tiền hỗ trợ do dừng hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch Không được phát sinh thêm thủ tục hành chính nào khi triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ Ngừng việc, nghỉ việc do Covid-19, người lao động được hỗ trợ thế nào?

Hơn 60.000 người đã được hỗ trợ

Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết, tính từ ngày 6/7/2021 đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho trên 40.000 lao động tự do, 20.000 người bán vé số dạo trên địa bàn.

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thành phố có 230.000 lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, 80.000 người lao động mất việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12) và các khu phong toả khác được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh nhận được tiền hỗ trợ
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo lãnh đạo Sở, hiện nay, các quận/huyện trên địa bàn đã chủ động ứng ngân sách địa phương để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc, lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ và người có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương cũng vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn. Đến nay thành phố vẫn đang tiếp tục việc thống kê danh sách và thực hiện hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, có 30.000 thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người có công, thân nhân người có công, giáo viên… đã được tiêm vắc xin Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng đợt 4 vừa qua.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết, từ ngày 20/3/2020 - 9/7/2021, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận số tiền gần 913 tỷ đồng. Trong đó gồm 765 tỷ đồng tiền mặt; 148 tỷ đồng hàng hóa và trang thiết bị. Thành phố đã phân phối 645 tỷ đồng tiền mặt, 148 tỷ đồng hàng hóa, trang thiết bị đến cho người dân và các đơn vị thiết yếu.

Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ
Người lao động tự do nhận hỗ trợ tại phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12). Ảnh: Châu Châu

Về quỹ ủng hộ mua vắc xin Covid-19, đến nay thành phố đã tiếp nhận ủng hộ hơn 281 tỷ đồng.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã chi gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn trên địa bàn thành phố.

Người dân đang có sự hiểu nhầm về giá cả

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tại một số cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm có hiện tượng hàng về chậm, một số thời điểm bị thiếu hàng cục bộ. Thành phố đã triển khai bổ sung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Lượng hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ổn định. Qua kiểm tra tại các hệ thống siêu thị, giá cả hàng hóa không tăng so với thời điểm trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Ông Phong cho rằng hiện nay một bộ phận người dân đang có sự nhầm lẫn về giá cả. Theo đó, hàng hóa có sự chênh lệch giá giữa hàng nhập khẩu với trong nước, đơn cử như rau củ nhập khẩu của Australia thì cao hơn 2-3 lần so với rau củ cùng loại ở trong nước. Ngoài ra, các siêu thị dừng chương trình khuyến mại nên giá hàng hóa trở lại giá niêm yết ban đầu. Vì thế mới xảy ra việc người dân cho rằng giá hàng hóa leo thang.

Nhằm tạo điều kiện mua sắm thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người, thành phố đã phối hợp với Tổ công tác của Bộ Khoa học Công nghệ và các doanh nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, định vị các điểm bán hàng.

Đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chính thức cho hoạt động trở lại “Siêu thị mini 0 đồng” với quy mô 10 siêu thị/ngày. Đồng thời, mô hình “Chợ nghĩa tình” do các Thầy cô giáo và Đoàn Thanh niên tổ chức triển khai đồng loạt trên 22 quận/huyện và TP Thủ Đức. Các bếp ăn nghĩa tình, các hoạt động từ thiện,… cũng được thành phố tạo điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịch để kịp thời đem thực phẩm về với người nghèo.

Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ
Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng các sở, ngành họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19.

Ngành Công Thương thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn lưu động, nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định cho người dân trên mọi địa bàn.

Sau khi nghe báo cáo của thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần chăm lo đời sống của người dân hơn nữa. Theo Phó Thủ tướng, cần lưu ý các địa điểm, khu vực, kênh phân phối hàng hoá để thông tin kịp thời cho người dân và phát động các chương trình thiện nguyện. “Tuy nhiên, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Người dân ra khỏi nhà phải mang theo giấy tờ

Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Lê Mạnh Hà cho biết, 12 trạm kiểm soát chốt chặn cấp thành phố, 266 chốt cấp quận/huyện đã được thiết lập trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê đến 12h ngày 10/7, các chốt kiểm soát đã kiểm tra 51.890 phương tiện các loại và hơn 33.000 người. Các quận Bình Thạnh, Quận 7 và thành phố Thủ Đức là những địa bàn có lượng người đi lại nhiều nhất, Quận 6, Quận 10 và Quận 12 là địa phương có lượng vi phạm quy định phòng chống dịch nhiều nhất.

Tính từ ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố đến nay, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 203 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 841 triệu đồng.

Liên quan đến tình hình 12 trạm, chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Nguyễn Văn Bình cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc đeo khẩu trang, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trung tá Nguyễn Văn Bình lưu ý, người dân khi qua các chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, khai báo y tế điện tử. Người dân có việc ra khỏi nhà phải mang theo bằng lái, giấy tờ xe, CCCD/CMND, thẻ cán bộ, nhân viên, giấy công tác,…

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này