Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch

10:21 | 06/07/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong 12 chính sách hỗ trợ, có 3 chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Infographic: Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ Giúp người lao động và doanh nghiệp vượt khó

Người lao động và người sử dụng lao động đều được hỗ trợ

Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch sẽ được xem xét hỗ trợ. Ảnh: B.D

Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Sự vào cuộc kịp thời của các Bộ, ngành

Liên quan đến nội dung của các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tại Nghị quyết này, trước đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét miễn đóng bảo hiểm y tế và duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho lao động thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, nhưng tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 lại thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp Mầm non đến Trung học phổ thông bị tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19...

Cũng chung mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kịp thời đề xuất và có ý kiến thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ một số giải pháp cụ thể như: Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQCP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động triển khai kịp thời một số nhiệm vụ được Chính phủ giao như: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, với 192.503 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 786,8 tỷ đồng;

Xác nhận Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của doanh nghiệp đối với 168.163 lao động để ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Xác nhận Danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 585 lao động để đơn vị, doanh nghiệp được vay ngân hàng trả lương ngừng việc cho người lao động.

Có thể khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, thực hiện mục tiêu ”kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách này cũng cho thấy sự nỗ lực của các Bộ, ngành, nhất là Bảo hiểm xã hội Việt Nam với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này