Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động

18:25 | 03/07/2021
(LĐTĐ) Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, một trong những nhiệm vụ cốt lõi được các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021 chính là việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tăng cường liên kết các Hội với Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi hội viên Nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn Coi trọng việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động

Cụ thể, chú trọng thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ngay từ cuối năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành văn bản Hướng dẫn liên tịch số 211/HD-UBND-LĐLĐ để hướng dẫn các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động năm 2021 theo đúng quy định của Chính phủ.

Đến nay, toàn Thành phố đã có 3.419/3.419 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (đạt 100%) và 2.540/4.510 đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 56,32%).

Qua đánh giá của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, chất lượng Hội nghị đã được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng quy chế đối thoại, quy chế dân chủ tại cơ sở, lựa chọn bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc... đúng quy trình, bài bản, nghiêm túc theo quy định.

Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động
Hội nghị người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn HAL Việt Nam thuộc các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Có 3.608 doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (đạt 85,04%); có 99,7% đơn vị có Ban Thanh tra nhân dân, qua đó đã góp phần phát huy dân chủ, ý thức của người lao động trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã làm tốt việc thực hiện quyền đại diện tập thể người lao động tham gia đóng góp ý kiến vào nội quy lao động của doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về nội quy lao động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, Đề án Thư viện Thỏa ước lao động tập thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được các cấp Công đoàn Thủ đô quan tâm thực hiện. Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành Quyết định số 187/QĐ-LĐLĐ ngày 15/3/2021 xây dựng Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại Thỏa ước lao động, giai đoạn 2021-2022” triển khai đến các cấp Công đoàn. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 1.857/5.296 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký Thỏa ước lao động tập thể. Điển hình các đơn vị làm tốt có thể kể như: Liên đoàn Lao động quận Long Biên, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm, Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng, Công đoàn các ngành Dệt May, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công đoàn Viên chức Thành phố…

Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; các bản Thỏa ước lao động tập thể tập trung nâng cao quyền lợi người lao động so với pháp luật quy định, như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng; thực hiện chính sách lao động nữ; đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng theo Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”…

Để nâng cao kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người lao động, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội đã phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 25 cuộc tuyên truyền, tư vấn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động; phối hợp với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải quyết tranh chấp lao động, đại diện ủy quyền khởi kiện Công ty Cơ điện Công trình đòi nợ tiền lương cho người lao động; kiện toàn 42 tổ tư vấn pháp luật, với 212 thành viên.

Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh minh họa)

Các cấp Công đoàn cũng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tăng cường chức năng giám sát và tự kiểm tra tại đơn vị, doanh nghiệp. Qua công tác tự kiểm tra, các Công đoàn cơ sở đã phát hiện các thiếu sót, tồn tại và đã kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết, khắc phục kịp thời, góp phần tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực hưởng ứng “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về An toàn vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”; với phương châm tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời điểm mỗi tập thể, cá nhân nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đã có 100% các Công đoàn cơ sở treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại cổng cơ quan, phân xưởng và thực hiện tốt công tác tự kiểm tra An toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp; 13/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các lớp tập huấn công tác An toàn vệ sinh lao động cho cán bộ Công đoàn cơ sở và mạng lưới An toàn vệ sinh viên, với 1.825 người tham dự.

Các cấp Công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tập trung đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất cũng như khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo An toàn vệ sinh lao động...

6 tháng cuối năm, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tiếp tục được coi trọng hàng đầu. Trong đó, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ; duy trì nâng cao chất lượng hoạt động “Thư viện Thỏa ước lao động tập thể”; triển khai Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019) đến công nhân, viên chức, lao động và cán bộ Công đoàn.

Các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Phòng chống cháy nổ đối với người lao động; giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc tập thể và các cuộc tranh chấp lao động; các đơn thư, thư khiếu nại, kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này