Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính

16:13 | 30/06/2021
(LĐTĐ) Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị chính thức được thí điểm thực hiện từ ngày 1/7/2021 đã đánh dấu một bước chuyển biến mới trong quản lý của chính quyền các cấp tại thành phố Hà Nội. Bởi đây là mô hình được đánh giá phù hợp với tính chất của đô thị, góp phần xây dựng chính quyền ở khu vực đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, tạo đà cho Thủ đô tăng tốc phát triển trong tương lai.
Rà soát các phương án tổ chức an toàn, thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 Từ 1/7, Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội làm việc theo chế độ thủ trưởng Sẵn sàng vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Bài 1: Mô hình chính quyền mới đáp ứng sự phát triển của đô thị

Từ ngày 1/7, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Tổ chức mô hình chính quyền đô thị hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội.

Triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Để triển khai hiệu quả, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội; ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Nghị định gồm các nội dung: Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác… Nghị định quy định biên chế công chức phường thuộc biên chế công chức thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã và do Ủy ban nhân dân quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính
Tổ chức mô hình chính quyền đô thị góp phần xây dựng chính quyền ở khu vực đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, tạo đà cho Thủ đô tăng tốc phát triển trong tương lai.

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và các công chức khác: Văn phòng - thống kế; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội. Biên chế công chức bình quân làm việc tại Ủy ban nhân dân phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phải tổ chức đối thoại ít nhất 2 lần/năm…

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của Ủy ban nhân dân phường theo quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Nghị định cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính... Điều này đang được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải công việc cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, tạo thuận lợi hơn cho công dân, tổ chức khi làm thủ tục chứng thực - thủ tục chiếm phần lớn thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường.

Tăng thêm tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã làm rõ hơn các vấn đề và nêu một số điểm cần chú ý trong Nghị định 32 của Chính phủ.

Đồng thời khẳng định, tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa bản thống nhất, tập trung, xuyên suốt của Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân quận; phát huy hiệu quả việc giám sát của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích, khác với thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường; ở xã, quận, huyện, thị xã vẫn giữ Hội đồng nhân dân - như một cấp chính quyền. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đánh giá, để phục vụ nhân dân nhanh nhất, Nghị định nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao các giấy tờ, văn bản, chữ ký… Đây là sáng kiến đáng ghi nhận của Hà Nội.

Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính
Tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ “giải phóng” các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường.

Bên cạnh đó, tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng đã tính đến giải pháp thay thế để bảo đảm quyền làm chủ của người dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương. Đặc biệt, với việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở; tăng trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng. Việc thực hiện theo mô hình mới không chỉ phát huy được tính năng động của các cán bộ công chức mà hơn nữa còn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp phường.

Chia sẻ về điều này, ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh (quận Ba Đình) bày tỏ, mặc dù không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường tại 12 quận của Hà Nội và thị xã Sơn Tây nhưng quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát. Hội đồng nhân dân quận sẽ giám sát Ủy ban nhân dân phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận giao cho các phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân quận.

“Hằng năm ít nhất có 2 lần Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã. Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ tại hội nghị tiếp xúc cử tri, lãnh đạo địa phương mới tiếp nhận kiến nghị của người dân. Mà theo nhiều quy định của pháp luật về tiếp công dân, Chủ tịch phường, cán bộ công chức vẫn tiếp nhận giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân hàng ngày. Khi triển khai mô hình chính quyền mới, phường cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân”, ông Võ Hồng Vinh chia sẻ.

Theo đánh giá một số lãnh đạo phường khác, mô hình chính quyền đô thị được triển khai tại cấp phường được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá với mục đích nhằm hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. Việc chuyển đổi công chức xã phường thành công chức hành chính thuộc chỉ tiêu biên chế của Ủy ban Nhân dân quận đã tạo một sự bình đẳng, không phân biệt giữa các cấp công chức như trước đây, tạo điều kiện cho công chức phường được yên tâm công tác. Ngoài ra, việc này cũng đòi hỏi cán bộ công chức phải tự nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng ứng xử để có thể đáp ứng với yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ được giao.

“Cơ quan Ủy ban nhân dân phường là cấp thực thi công vụ, cung ứng dịch vụ công cho nhân dân, tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ “giải phóng” các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường. Ủy ban nhân dân phường phải xác định việc phải thay đổi được cách nhìn của người dân khi tới cơ quan công quyền giải quyết thủ tục hành chính, không còn là một cơ quan hành chính nặng nề với thủ tục rườm rà mà thực sự là nơi phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của công dân. Do đó cán bộ công chức sẽ có sự thay đổi về chuyên môn của mình, đặc biệt là thái độ phục phục vụ người dân”, bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) khẳng định.

Kỳ 2: Mọi điều kiện sẵn sàng để vận hành thông suốt

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này