Để cán bộ Công đoàn thực sự là thủ lĩnh của người lao động

18:54 | 29/06/2021
(LĐTĐ) Là một người có nhiều năm nghiên cứu về đội ngũ cán bộ Công đoàn, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Công đoàn cho rằng, để thực sự là thủ lĩnh của người lao động, cán bộ Công đoàn phải hiểu rõ và cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của người lao động.
Đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động Ấm lòng với đề xuất gói hỗ trợ mới Ổn định quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch bệnh

Chia sẻ tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, ông Vũ Quang Thọ đã nêu những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Công đoàn - những người giữ vai trò là thủ lĩnh của người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Để cán bộ Công đoàn thực sự là thủ lĩnh của người lao động
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Công đoàn chia sẻ tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”

Trước hết, cán bộ Công đoàn phải được số đông người lao động tự nguyện suy tôn là thủ lĩnh. Để có được điều đó thì cán bộ Công đoàn phải hiểu được đời sống của người lao động. Người cán bộ Công đoàn phải từ lao động để trưởng thành lên, cũng từ lao động vất vả như những người thuộc giai cấp mình, thuộc đẳng cấp mình mới hiểu được giá trị của lao động. Không từ lao động, không thấu hiểu vất vả của lao động thì không hiểu được đời sống của người lao động. Và như thế sẽ không thể đấu tranh, bảo vệ đến cùng quyền được làm việc và lợi ích từ việc làm mà người lao động đã và đang tiến hành.

Ngoài ra, cán bộ Công đoàn phải là người có trình độ, có thể nắm được, hiểu được quy luật vận động của quá trình kinh tế - xã hội và đem tri thức, sự hiểu biết phụng sự giai cấp công nhân và người lao động. Những thi thức này người cán bộ Công đoàn phải học từ trường lớp và từ việc lăn lộn với phong trào công nhân, với đời thợ để hiểu người thợ, hiểu sản xuất kinh doanh. Chính thực tế sản xuất kinh doanh sẽ dạy cán bộ Công đoàn và rèn luyện họ, giống như thời kỳ sơ khai, những trí thức cách mạng phải đi "ba cùng" với công nhân lao động để học "chất cách mạng" của phong trào, để vững vàng trong bão táp cách mạng, chiến đấu và chiến thắng.

Người thủ lĩnh Công đoàn phải trả lời được những câu hỏi hết sức bức xúc của người lao động hiện nay, đó là: Làm cách nào để công việc hằng ngày của họ bớt vất vả? Làm thế nào để thu nhập chính đáng của họ cao hơn? Làm cách nào để họ nâng cao được năng suất lao động? Có lẽ học vấn, tri thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm sống và làm việc của người cùng “đồng cam cộng khổ” với công nhân lao động sẽ giúp người cán bộ Công đoàn trả lời được những câu hỏi đó. “Vì vậy, hiểu được quy luật vận động của kinh tế, hiểu được cách làm việc, cách tổ chức cuộc sống và đem sự hiểu biết ấy cùng bàn luận, chia sẻ với người lao động một cách bình đẳng cũng là trách nhiệm của người cán bộ Công đoàn” - ông Thọ nhấn mạnh.

Cùng với những yêu cầu trên, cán bộ Công đoàn cũng phải là người biết lắng nghe, biết chia sẻ chân thành với tất cả người lao động. Chỉ có như vậy mới có thể hiểu những mong muốn của người lao động, từ đó sẽ nảy sinh các phương pháp, cách làm để đáp ứng những mong muốn chân thành của công nhân lao động.

Để cán bộ Công đoàn thực sự là thủ lĩnh của người lao động
Cán bộ Công đoàn muốn làm được vai trò thủ lĩnh phải biết đau nỗi đau của người lao động, vui niềm vui của người lao động

Ông Thọ nêu ví dụ, tiền lương và thu nhập luôn là vấn đề day dứt của người lao động, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn. Khi khó khăn, người lao động sẵn sàng làm mọi việc để có thêm thu nhập. Vì vậy, các suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực rất dễ xuất hiện để họ lựa chọn. Đây cũng là lúc người lao động cần những chia sẻ chân thành và hiệu quả nhất của cán bộ Công đoàn. Trong trường hợp này, rất cần sự dấn thân hành động của người cán bộ Công đoàn bằng cách gần gũi với công nhân lao động để bàn bạc, tìm các giải pháp để thảo gỡ khó khăn một cách đúng đắn, hợp pháp.

Cuối cùng, ông Thọ cho rằng, cán bộ Công đoàn muốn làm được vai trò thủ lĩnh phải biết đau nỗi đau của người lao động, vui niềm vui của người lao động. Thực chất cũng là gắn bó chia sẻ chân thành với niềm vui, hạnh phúc và thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nếu đặt ra quá nhiều yêu cầu với người cán bộ Công đoàn mà không tạo điều kiện để họ làm việc, để họ cố gắng; nếu những cán bộ Công đoàn làm tốt không được vinh danh thì sớm muộn phong trào công nhân lao động, phong trào Công đoàn sẽ thui chột, dẫn đến bế tắc, hoặc bị biến tướng, lũng đoạn. Nền kinh tế thị trường đặt mọi yếu tố, mọi tầng lớp, mọi đối tượng trước những yêu cầu “sòng phẳng”, tức là mọi cố gắng, mọi thành tích của cán bộ Công đoàn phải được tưởng thưởng để họ được khích lệ và phấn đấu.

Cán bộ Công đoàn phải được số đông người lao động tự nguyện suy tôn là thủ lĩnh. Để có được điều đó thì cán bộ Công đoàn phải hiểu được đời sống của người lao động. Người cán bộ Công đoàn phải từ lao động để trưởng thành lên, cũng từ lao động vất vả như những người thuộc giai cấp mình, thuộc đẳng cấp mình mới hiểu được giá trị của lao động. Không từ lao động, không thấu hiểu vất vả của lao động thì không hiểu được đời sống của người lao động. Và như thế sẽ không thể đấu tranh, bảo vệ đến cùng quyền được làm việc và lợi ích từ việc làm mà người lao động đã và đang tiến hành.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này