Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến doanh thu xe buýt giảm mạnh

22:13 | 24/06/2021
(LĐTĐ) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng xe buýt của thành phố Hà Nội liên tục có dấu hiệu giảm sút. Trước nguyên nhân bất khả kháng từ dịch bệnh, rất cần các cơ quan chức Hà Nội có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố.
Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã Phòng chống dịch Covid-19, xe buýt không vận chuyển vượt quá 50% số chỗ Transerco nỗ lực khai thác tối ưu hiệu quả hoạt động luồng tuyến

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Sở đã triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.

Theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố các đơn vị vận tải đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải trong đó có việc thực hiện giãn cách trên phương tiện, giảm tần suất hoạt động các tuyến vận tải hành khách và dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đối với các địa phương có dịch bùng phát.

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 các phương tiện kinh doanh vận tải đã phải ngừng hoạt động, giảm số chuyến hoạt động, giảm sức chứa theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền… Hoạt động này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh song cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến doanh thu xe buýt giảm mạnh
Sản lượng hành khách và doanh thu của hoạt động xe buýt sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Luyện

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, sản lượng hành khách và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng (sản lượng xe buýt trong Quý I/2021 giảm 9,3 triệu lượt, tương ứng giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu giảm 13,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,9%. Sản lượng xe buýt tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021). Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021…

Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh, việc sụt giảm các chỉ tiêu kể trên cũng khiến nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút, trong khi đó nhiều khoản chi phí lớn phải trả như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán đã gây ra nhiều áp lực. Ngoài ra, các chi phí bắt buộc liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 như: Trang bị dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn tay, khẩu trang, tờ khai y tế… vẫn phải thực hiện thường xuyên.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải khách công cộng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021; hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Cục thuế Thành phố và các đơn vị liên quan xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cho các đơn vị vận tải (phun khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn trên xe, khẩu trang, dán bổ sung các thông tin phòng, chống dịch…).

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe thực hiện việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và các khoản chi phí khác cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng kiến nghị Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này