Khẳng định chất lượng sản phẩm qua chương trình OCOP

15:20 | 17/06/2021
(LĐTĐ) Bắt đầu được triển khai từ tháng 5/2018, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua việc thẩm định, đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, giá trị các sản phẩm đồ uống, thực phẩm, thảo dược,... đã được nâng lên đáng kể, tạo động lực cho người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh chương trình OCOP để xây dựng nông thôn mới bền vững Khẳng định vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp

Nâng cao giá trị nông sản nhờ “gắn sao”

Cùng với các giống bưởi đặc sản như bưởi diễn, bưởi da xanh, giống bưởi đỏ của thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao trong năm 2020. Chia sẻ với phóng viên, ông Lương Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao cho biết, giống bưởi đỏ là loại quả mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng, nhất là khi trồng bằng phương pháp hữu cơ.

Khẳng định chất lượng sản phẩm qua chương trình OCOP
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mê Linh năm 2020.

Bưởi đỏ Đông Cao bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Các cây bưởi đỏ lâu đời từ 30 – 40 năm cho sản lượng khoảng 200 quả một năm; cây bưởi từ 10-20 năm cho khoảng 90 – 120 quả. Mỗi quả bưởi đỏ nặng trung bình 0.8 – 1.2kg, giá dao động từ 80.000 đồng – 90.000 đồng/quả. Trong dịp Tết, giá bưởi đỏ sẽ tăng gấp đôi, các đơn vị muốn mua bưởi phải đặt hàng trước từ 1 tới 2 tháng.

Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Đông Cao ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bưởi đỏ Đông Cao, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng.

“Sau khi có thương hiệu, hàng năm chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến, tiếp cận với các đơn vị phân phối để bà con trong và ngoài nước biết đến, sử dụng sản phẩm của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao. Định hướng của hợp tác xã là từ năm 2020 - 2025 sẽ phát triển khu vực vùng Mê Linh lên từ 25 tới 30 ha để làm đề án tiêu thụ sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Trong đó, chúng tôi hướng tới làm một số sản phẩm như nước ép, tinh dầu bưởi của đặc sản Đông Cao” – ông Phương chia sẻ.

Tương tự, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) là một trong những địa phương triển khai chương trình OCOP một cách hiệu quả với sản phẩm mật ong Kim Sơn. Sản phẩm này cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020. Theo đó, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Kim Sơn có từ khoảng năm 1984, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát.

Năm 2007, các hộ nuôi ong Kim Sơn đã thành lập Câu lạc bộ nuôi ong lấy mật với 11 thành viên. Cũng từ nền tảng này, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, Câu lạc bộ có thêm hàng chục hộ thành viên. Nhằm liên kết chặt chẽ hơn nữa để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 30 hộ thành viên.

Hiện nay trung bình mỗi hộ thành viên của Tổ nuôi từ 80 đến 200 đàn. Có những thành viên mở rộng quy mô lên đến 500-600 đàn. Sản lượng mật bình quân hàng năm của các hộ nuôi ong đạt khoảng 40.000 lít mật, ngoài doanh thu từ khai thác mật các hộ còn tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, bán phấn hoa và các sản phẩm khác mang lại nguồn thu nhập thường xuyên từ 150.000.000 - 800.000.000 đồng/hộ/năm trở lên.

Tích cực vào cuộc tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, mây tre, điêu khắc, may mặc…Đặc biệt, Hà Nội đang đạt kết quả cao trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh Qrcode. Đây là tiềm năng và cũng là nền tảng để phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, mây tre, điêu khắc, may mặc…Đặc biệt, Hà Nội đang đạt kết quả cao trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh Qrcode.

Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, để phát huy những lợi thế, thời gian qua Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức đào tạo, tập huấn, đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Cụ thể, trong năm 2020, thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân Thành phố, Sở Công Thương đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố như: Điểm quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (176 Quang Trung, quận Hà Đông); 05 điểm tại quận Hà Đông (Cửa hàng Hợp tác xã Art, phường Vạn Phúc; Cửa hàng Cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc; Cửa hàng rau an toàn chợ Hà Đông; Cửa hàng Xuân Cường Handicraft, phường Hà Cầu...

Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch Hiệp hội mây tre đan Chương Mỹ, đồng thời là người sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ nghệ Hoa Sơn, dù có nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, thế nhưng, do đặc trưng là mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa biết đến chương trình OCOP nên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn là thách thức với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ nghệ Hoa Sơn. Do đó, ông Trung mong muốn các sản phẩm được thẩm định cấp sao không chỉ được khách hàng trong nước tin dùng mà còn được bạn bè quốc tế công nhận, từ đó giải quyết khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm hiện nay.

Thừa nhận khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP là một thực tế, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, để khắc phục khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, Thành phố cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị nhằm phát triển kinh tế nông thôn.

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, muốn phát triển sản phẩm OCOP bền vững là bài toán không hề đơn giản. Để ổn định thị trường tiêu thụ, các chủ thể OCOP được công nhận phải duy trì chất lượng sản phẩm như thời gian chấm ban đầu. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương sẽ đứng vai trò là “bà đỡ” để hỗ trợ, xúc tiến đầu ra sản phẩm cho các sản phẩm OCOP thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; hội chợ; triển lãm;hội nghị hội thảo kết nối giao thương trong nước và ngoài nước.

Với sự vào cuộc tích cực của chủ thể OCOP, chính quyền địa phương và các cấp, ngành, tin tưởng rằng việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP trong thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến mới, từ đó đưa những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các quận, huyện của Thủ đô đến các hệ thống siêu thị, các kênh bán lẻ trên toàn quốc, xa hơn nữa là việc khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này