Khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng lên đường

09:37 | 08/06/2021
(LĐTĐ) Cấp bách chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tại điểm nóng Bắc Giang, Bộ Y tế và ngành Y tế các tỉnh đã chi viện lực lượng đông đảo với 2.200 y, bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên tới từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Các chiến sĩ áo trắng đến hỗ trợ cho Bắc Giang bằng tất cả nhiệt huyết và đồng lòng đẩy lui dịch bệnh. Tất cả họ đều đặt quyết tâm cao độ khi nào Bắc Giang hết dịch mới về địa phương.
Đề xuất miễn đóng bảo hiểm y tế với lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương do Covid-19 Nghĩ về giữ kỷ cương trong phòng chống dịch

Sẵn sàng lên đường “chia lửa” với Bắc Giang

Trong những ngày qua, các y, bác sĩ đã có mặt tại Bắc Giang hỗ trợ chống dịch, tham gia từ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đến điều trị và cứu sống các bệnh nhân Covid-19 nặng. Các y, bác sĩ đến từ mọi vùng, miền khác nhau trong cả nước nhưng cùng chung quyết tâm góp một phần sức lực giúp địa phương sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh.

Khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng lên đường
Nhóm chuyên gia Viện Pasteur Nha Trang cùng các y, bác sĩ Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thể hiện quyết tâm cao độ, giúp Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đơn cử, với tinh thần sẵn sàng “chia lửa” cùng Bắc Giang nhóm ba chuyên gia trẻ của Viện Pasteur Nha Trang cùng hệ thống trang thiết bị máy móc đã vượt quãng đường hơn 1.300km đến chi viện tỉnh Bắc Giang đẩy nhanh công tác xét nghiệm RT-PCR. Theo các chuyên gia y tế công tác test kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR đóng vai trò then chốt trong việc truy vết, khoanh vùng và khống chế dịch. Việc xét nghiệm nhằm sàng lọc những người dương tính SARS-CoV-2 và tách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng, giảm thiểu tới mức tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Là một trong ba chuyên gia ra hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, chị Huỳnh Kim Mai - Phó Khoa Vi sinh miễn dịch, Viện Pasteur Nha Trang chia sẻ: Qua việc theo dõi thông tin hằng ngày trên hệ thống báo đài từ trung ương tới địa phương, toàn bộ cán bộ của Viện Pasteur Nha Trang lúc nào cũng sẵn sàng tâm lý lên đường chi viện cho các địa phương được xác định là tâm dịch.

Chiều ngày 21/5, sau khi nhận lệnh từ Bộ Y tế cũng như ban lãnh đạo Viện, nhóm chuyên gia gồm 3 người thuộc Khoa Vi sinh miễn dịch đã tức tốc chuẩn bị hành lý, trang thiết bị để sẵn sàng lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang. Vượt qua quãng đường hơn 1.300km, tối muộn 22/5, nhóm chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang cùng trang thiết bị máy móc đã có mặt tại Bắc Giang. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế và các cấp chính quyền sở tại, ngay trong đêm, nhóm đã bố trí hoàn thiện ngay một phòng xét nghiệm RT-PCR tại trụ sở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang. Với tinh thần làm việc quyết tâm cao độ, sáng 23/5, phòng xét nghiệm đã đi vào hoạt động ngay.

Chị Kim Mai cũng chia sẻ, do hạn chế về mặt con người lẫn trang thiết bị, trong hai ngày đầu phòng xét nghiệm chỉ đạt công suất 300 mẫu đơn/ngày. Những ngày sau đó, 3 chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang ngoài nhiệm vụ chính đã kiêm nhiệm luôn công tác hướng dẫn, đào tạo cho 6 cán bộ của Khoa Xét nghiệm thuộc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang kỹ năng xét nghiệm RT-PCR. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực này, cộng thêm cường độ làm việc liên tục từ 7 giờ sáng tới 22 giờ đêm hằng ngày, phòng xét nghiệm đã nâng công suất từ 300 lên thành 700 mẫu đơn/ngày, góp phần cùng nhiều lực lượng chi viện khác đẩy nhanh hơn công tác xét nghiệm tại Bắc Giang.

Dù công việc vất vả, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, việc được cử đi chi viện cho tỉnh Bắc Giang lần này đối với chị Mai cùng hai đồng nghiệp khác là niềm vinh dự và tự hào. “Hy vọng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng, nhóm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ lần này. Cả nhóm xác định khi nào Bắc Giang chiến thắng dịch mới trở về”, chị Mai chia sẻ thêm.

Cùng với Viện Pasteur Nha Trang trong lần chi viện này, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đã hỗ trợ toàn diện công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang. Ngoài việc tham gia thiết kế, giám sát triển khai bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vẫn ngày đêm tham gia hội chẩn các ca bệnh nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Và trong nhóm tham gia điều trị, họ liên tục đưa ra các hướng dẫn điều trị, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ khi thấy chưa trọn vẹn để có kết quả tốt nhất cho người bệnh…

Đặc biệt, trong đoàn có bác sĩ bốn lần xung phong vào tâm dịch, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là Bắc Giang. “Khi phải đối mặt với đại dịch tới 4 lần, thì nó không còn khiến cho người đi chống dịch cảm giác hoang mang nữa. Vì chúng tôi đã lường trước được cách thức mình phải làm để có thể khống chế dịch”, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chi viện chống dịch tại Bắc Giang cho biết.

Chia sẻ về những ngày công tác tại “chảo lửa” Bắc Giang, bác sĩ Sơn cho biết đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đến Bắc Giang được khoảng 2 tuần. Ngay khi nhận được lệnh điều động là mọi người lập tức lên đường để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh. “Nói chung, đi chống dịch là quên khái niệm thời gian vì ở đây tất cả mọi ngày đều giống nhau, không có thứ bảy, chủ nhật. Tôi đã tham gia chống dịch lần thứ tư rồi, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là Bắc Giang. Và chưa bao giờ đi chống dịch mà tôi lại hẹn chính xác ngày về”, bác sĩ Sơn nói.

Động lực chiến đấu của các chiến sĩ áo trắng

Cùng với Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bạch Mai, còn nhiều đoàn công tác tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh),… cũng lên đường hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. Những ngày nắng nóng, oi bức, bên cạnh những thông tin về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang với số ca mắc mỗi ngày vẫn cao, thì mỗi thông tin tiến triển tốt của người bệnh trở thành động lực không nhỏ cho các chiến sĩ áo trắng đang tham gia chống dịch tại đây.

Ngay như trong sáng 4/6, tin vui từ Bệnh viện Phổi Bắc Giang cho biết bệnh nhân N.V.G (1987), quê Lục Nam, Bắc Giang đã được cai máy thở sau 12 ngày điều trị, đồng thời có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Là bác sĩ điều trị trực tiếp cho ca bệnh này, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Bắc Giang chia sẻ: “Sáng 4/6, đọc được mấy dòng bệnh nhân viết nhanh: “Cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Phổi đã cứu sống em - BN G”, sau đó, bệnh nhân đề nghị được chụp ảnh chung với các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Phổi để làm kỷ niệm, chúng tôi mừng lắm, lại có thêm động lực để chiến đấu”.

Được biết, đây là ca bệnh điển hình của bệnh nhân Covid-19 trẻ, chuyển biến nặng. Ca này là ca nặng đầu tiên mà đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và quyết định phải đặt nội khí quản luôn. Bệnh nhân trẻ và bị nặng, có thời điểm tưởng phải can thiệptim phổi nhân tạo (ECMO), nhưng sau đó đã điều trị thành công bằng thở máy. Hiện tại theo các bác sĩ bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và đặc biệt xét nghiệm ngày 3/6 đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Hay vừa qua, Bệnh viện Dã chiến số 2 - Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang đã công bố 21 bệnh nhân Covid-19 điều trị khỏi bệnh. Như vậy, hiện tại tỉnh Bắc Giang đã có 207 bệnh nhân đã được ra viện. Đối với mỗi ca công bố khỏi bệnh, phía sau đó là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cả một tập thể các chiến sĩ áo trắng đang tham gia các khâu từ xét nghiệm, truy vết, thu dung, điều trị… bệnh nhân. Điều đó cũng chứng tỏ những nỗ lực của họ trong nhiều ngày qua đã đem lại kết quả và sự chi viện y tế của bệnh viện các tuyến, từ nhiều tỉnh thành cho tâm dịch Bắc Giang thật đáng giá.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này