Cá nhân được nhận thế chấp sổ đỏ

10:41 | 04/06/2021
(LĐTĐ) Trước kia, chỉ ngân hàng mới được nhận thế chấp sổ đỏ thì Nghị định 21 của Chính phủ về việc thi hành Bộ luật Dân sự về nghĩa vụ bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, đã mở rộng cho phép cá nhân, tổ chức nhận thế chấp sổ đỏ...
Vợ đứng tên sổ đỏ, chồng có quyền gì? Không đổi sang sổ hồng có được mua bán, cho tặng nhà đất?

Theo đó, với nhiều quy định cụ thể về việc thế chấp, xử lý tài sản bảo đảm, các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm trong các giao dịch dân sự... thì Nghị định đã quy định cụ thể cá nhân, tổ chức kinh tế được nhận thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ), tài sản gắn liền của người khác. Cụ thể, điều 35 Nghị định này quy định: "Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ".

Như vậy với quy định này, bất kỳ ai đủ năng lực hành vi dân sự đều có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất. Nếu nhận thế chấp để vay mượn tài sản (kèm có trả lãi) thì việc tính lãi suất, lãi trả chậm... được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.

Theo luật sư Ngọc Anh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Điều 35 Nghị định số 21/2021 quy định cho phép cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Bộ luật Dân sự 2015 đã có nêu vấn đề này tuy nhiên quy định không rõ ràng nên một số địa phương chỉ đồng ý để người dân thế chấp tài sản là bất động sản trong các giao dịch vay mượn với ngân hàng.

Nhưng cũng có địa phương đồng ý chứng thực hợp đồng vay mượn có thế chấp bằng sổ đỏ giữa các cá nhân, hộ kinh doanh với nhau. Do đó, Nghị định số 21/2021 với quy định chi tiết, rõ ràng là tạo ra hành lang pháp lý cho các giao dịch giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau trong nhiều hoạt động.

Chẳng hạn với nhiều cá nhân, khi có nhu cầu vay gấp 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng nhưng thủ tục ngân hàng phải chờ lâu thì họ sẽ vay mượn cá nhân khác. Trước đây các văn phòng công chứng sẽ không đồng ý chứng nhận hợp đồng vay mượn với tài sản thế chấp là sổ đỏ khiến nhiều giao dịch vay mượn lại bị buộc chuyển thành hợp đồng mua bán nhà đất, dẫn đến người đi vay thiệt hại, thậm chí bị mất luôn nhà vì một khoản vay nhỏ.

Tương tự, cũng có một số hộ kinh doanh trong các giao dịch như mua hàng trả chậm cũng có thể dễ dàng thế chấp sổ đỏ và bên bán hàng cũng sẽ yên tâm giao dịch. Quy định rõ ràng cụ thể sẽ khiến cho người dân thực hiện được quyền sở hữu bất động sản của mình, hợp pháp hóa nhiều giao dịch vay mượn nhỏ lẻ không thuộc ngân hàng và tránh những vụ lừa đảo diễn ra xoay quanh việc vay mượn như trước đây.

H.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này