Kiến nghị dừng sản xuất nếu không đảm bảo an toàn phòng dịch

20:51 | 03/06/2021
(LĐTĐ) Định kỳ ít nhất mỗi tuần một lần Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc. Nếu có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn phòng dịch thì Công đoàn cơ sở kiến nghị với người sử dụng lao động dừng sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Đảm bảo an toàn phòng dịch là yêu cầu cao nhất Cận cảnh xét nghiệm Covid-19 cho người dân từ Hải Dương về Hà Nội Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị cho xe buýt, taxi sớm hoạt động trở lại

Ngày 3/6, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng đã ký ban hành Hướng dẫn số 11/HD-LĐLĐ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.

Tại văn bản, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp với chính quyền đồng cấp, người sử dụng lao động triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc với những nội dung cụ thể.

Theo đó, về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp có 7 yêu cầu. Trước hết, doanh nghiệp phải thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch; phương án ứng phó các tình huống dịch bệnh Covid-19 có thể xảy ra tại nơi làm việc; tổ chức diễn tập một số tình huống phòng dịch như: Diễn tập hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”, tình huống khi doanh nghiệp bị phòng tỏa, có trường hợp F0; F1, F2…

Cùng với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (5k) tại nơi làm việc, theo quy định Quốc gia,Thành phố, ngành y tế, doanh nghiệp phải bố trí không gian làm việc thông thoáng; bố trí ca, kíp làm việc và giờ ăn linh hoạt, đảm bảo giãn cách, đồng thời phải thiết lập đường dây nóng để liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (CDC Hà Nội)/Trung tâm y tế các quận, huyện,thị xã/Bộ Y tế: 19009095. Doanh nghiệp phải phân công và công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của doanh nghiệp, niêm yết công khai để người lao động biết.

Kiến nghị dừng sản xuất nếu không đảm bảo an toàn phòng dịch
Ảnh minh họa

Đặc biệt, doanh nghiệp phải thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả “Tổ An toàn Covid-19”; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho toàn thể công nhân lao động được biết và thực hiện; hướng dẫn, vận động công nhân lao động ký cam kết thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với gắn biển “Đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào” trước cổng ra vào, doanh nghiệp phải bố trí đủ khu vực rửa tay, địa điểm và nhân lực kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn cho người lao động; hàng ngày vệ sinh, khử khuẩn nhà xưởng, các dụng cụ, bề mặt, tay nắm, nút bấm; đảm bảo đủ vật tư, phương tiện, hậu cần phục vụ phòng chống dịch như: khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…

Doanh nghiệp phải thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh môi trường nhà xưởng sạch sẽ, hạn chế sử dụng điều hòa, cung cấp đủ nước sạch sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của công nhân 24/24 giờ; bố trí đủ nhà vệ sinh, thùng đựng chất thải đặt ở vị trí thuận tiện, đặc biệt chú ý công tác phòng dịch ở các vị trí nguy cơ cao, như: Cổng ra vào, nhà ăn, căng tin, phương tiện đưa đón công nhân lao động (nếu có); khuyến khích lắp vách ngăn nhà ăn, nơi đông người.

Liên đoàn Lao động Thành phố nhấn mạnh, định kỳ ít nhất 01tuần/01 lần Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc. Nếu có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn phòng dịch, thì Công đoàn cơ sở kiến nghị với người sử dung lao động dừng sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời gửi Bảng tự đánh giá về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện.

Đối với người lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố hướng dẫn thực hiện những yêu cầu phòng dịch từ trước khi đến nơi làm việc, tại nơi làm việc và sau khi kết thúc ca làm việc. Trong đó, tại nơi làm việc, người lao động phải tuân thủ nghiêm quy định 5k, đeo khẩu trang, khai báo y tế theo quy định; cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ về sức khỏe bản thân trước khi vào làm việc.

Người lao động phải giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người. Khi có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, phát hiện có ca bệnh hoặc người tiếp xúc thuộc F1, F2, phải báo ngay cho “Tổ An toàn Covid-19" và cán bộ y tế xử lý kịp thời.

Người lao động phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay; sát khuẩn tay khi tiếp xúc với các bề mặt, tay nắm, nút bấm; che kín miệng, mũi khi hắt hơi, bằng khăn hoặc khuỷu tay; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; nghiêm cấm khạc, nhổ bừa bãi; không dùng chung đồ dùng cá nhân như: cốc, chai nước, khăn; phải thường xuyên vệ sinh vị trí làm việc bằng dung dịch sát khuẩn; hạn chế dùng chung dụng cụ, phương tiện lao động.

Tại văn bản, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng hướng dẫn cách xử lý các tình huống xảy ra khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc; khi có người nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc (F0); xử lý tình huống khi doanh nghiệp hay bộ phận doanh nghiệp bị phong tỏa đồng thời gửi kèm bảng tự đánh giá cũng như hướng dẫn đánh giá và kết luận nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này