Lao động tự do cũng sẽ có lương hưu

11:14 | 01/06/2021
(LĐTĐ) Qua 3 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã cho thấy, nền an sinh xã hội đất nước ta đang theo đuổi có mục tiêu rất rõ ràng là bao phủ các chế độ bảo hiểm xã hội lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Lao động tự do: Vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi Lao động tự do chật vật mưu sinh trong cơn "bão" dịch Vẫn thiếu những “cứu cánh” hiệu quả

Lao động tự do cũng có lương hưu… không phải chuyện xa vời

Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe…là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (ở Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe khi về già.

Ông Nhật trước vốn làm tự do, gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đầu năm 2021, ông đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ được hơn 15 năm. Với mong muốn sẽ tự lo cho bản thân khi về già, không phải phiền đến con cháu, ông đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Lao động tự do cũng sẽ có lương hưu
Nhờ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà ông Bùi Minh Nhật (tỉnh Kon Tum) được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe khi về già. Ảnh: B.H

Quyết định trên đã mang đến số tiền lương hưu gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng cho ông Nhật. Số tiền tuy không lớn, nhưng ít nhất cũng giúp ông Nhật có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, bởi với tuổi già, bệnh tật cũng không báo trước.

Thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm xã hội cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện đã và đang tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Sau 3 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, công tác thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân.

Điều đó góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng và tạo động lực tốt hơn trong việc chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân, người lao động.

Những nội dung về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức, mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Từ Nghị quyết số 28-NQ/TW, chúng ta có thể khẳng định rằng, nền an sinh xã hội đất nước ta đang theo đuổi có mục tiêu rất rõ ràng là bao phủ các chế độ bảo hiểm xã hội lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, diện bao phủ bảo hiểm xã hội không ngừng tăng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng, nhất là về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong vòng 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt gần 280 nghìn người tham gia.

Nhưng, chỉ tính riêng trong năm 2019, sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được triển khai, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người, bằng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của cả 11 năm trước cộng lại.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn song vẫn đạt được những kết quả quan trọng với 1,128 triệu người tham gia năm 2020 (tăng 554 nghìn người, gấp hai lần so với năm 2019).

Chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động nhưng trong năm 2020, chúng ta đã vượt chỉ tiêu được giao. Và tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,12 triệu người, tăng hơn 500 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Người lao động tự do hay bất cứ công dân Việt Nam nào từ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội của Nhà nước, để khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hằng tháng trang trải cuộc sống và trong suốt quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù đã đạt được những đột phá bước đầu, song Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cũng thừa nhận, thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn có những hạn chế nhất định: Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...); chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia…

Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt trên 16 triệu người (chiếm 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi). Như vậy, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67,7% lực lượng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.

Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người lao động hết tuổi lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội là rất lớn; sẽ tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội; tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Song song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện, như: Giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm;

Tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản...)… nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để ngày càng có nhiều người dân tham gia và thụ hưởng chính sách, qua đó đảm bảo an sinh xã hội bền vững./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này