Hà Nội chung tay cùng các địa phương hỗ trợ xoài, nhãn Sơn La vượt "bão" Covid-19

21:39 | 28/05/2021
(LĐTĐ) Xoài, nhãn Sơn La đã và đang bước vào thời vụ thu hoạch, tuy nhiên dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, trực tiếp ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu và lưu thông sản phẩm. Trước thực trạng này, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm xoài, nhãn và nông sản Sơn La được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và cả nước…
Sơn Tây: Phát huy hiệu quả “Tổ An toàn Covid-19” trong công tác phòng, chống dịch Quận Thanh Xuân: Sát sao công tác phòng, chống dịch tại các Công đoàn cơ sở Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021 với sự tham dự của 10 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố, năm nay, thời tiết thuận lợi, với diện tích trồng xoài vào khoảng 19.026ha sẽ cho sản lượng thu hoạch vào khoảng 65.223 tấn với thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8/2021. Đối với trái nhãn, hiện diện tích trồng 19.224ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn, thời điểm thu hoạch sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9/2021.

Hà Nội chung tay cùng các địa phương hỗ trợ xoài, nhãn Sơn La vượt
Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021

Hiện nay sản phẩm xoài, nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay dự kiến việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Phía địa phương xác định ngoài thị trường xuất khẩu, cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, hiện địa phương này cũng đã xây dựng các kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể như: Tăng cường phòng, chống dịch, khử trùng đối với các xe vận chuyển nông sản ra vào tỉnh. Về phương tiện vận chuyển, các lái xe vận chuyển của Sơn La sẽ được lập danh sách, tiêm phòng vắc xin và cấp chứng nhận vận chuyển nông sản. Người dân trong vùng trồng, các đơn vị thu mua cũng đảm bảo công tác phòng, chống dịch….

Tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương chung tay, tạo điều kiện trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa xoài, nhãn của Sơn La nói riêng và các sản phẩm nông sản của Sơn La giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La kiến nghị các Bộ đàm phán với Trung Quốc cho xuất khẩu mận chính ngạch sang thị trường này.

Trước đề nghị của đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, thời gian vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ Sơn La rất nhiều trong việc quảng bá, giới thiệu nông sản, nhiều Tuần hàng nông sản của Sơn La cũng đã được tổ chức. Do đó, trong năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm xoài, nhãn và nông sản Sơn La được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và cả nước. Đặc biệt, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa các xe ô tô vận chuyển từ Sơn La về Thủ đô.

Để giải quyết vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị phía địa phương tỉnh Sơn La cần lập danh sách chi tiết các xe ô tô, phương tiện chuyên chở trái cây, nông sản Sơn La (biển số xe, trọng tải, địa điểm đi - đến; tên, điện thoại lái xe) gửi về Sở để được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội chung tay cùng các địa phương hỗ trợ xoài, nhãn Sơn La vượt
Hà Nội chung tay cùng các địa phương hỗ trợ xoài, nhãn Sơn La vượt "bão" Covid-19

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Sơn La phối hợp cung cấp thông tin danh sách chi tiết doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất sản phẩm xoài, nhãn và trái cây, nông sản Sơn La để Sở Công Thương Hà Nội gửi đến các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ...

Cũng với đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ đồng hành với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để rà soát các điểm bán hàng cố định. Trong bối cảnh không tổ chức được các Tuần hàng nông sản tại Hà Nội, Sở sẽ đề xuất tổ chức điểm bán hàng cố định cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã xoài, nhãn Sơn La đưa về bán tại Hà Nội trong thời điểm cao vụ nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ với tỉnh Sơn La trong việc xúc tiến tiêu thụ xoài, nhãn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị, các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, khẳng định và giữ vững thương hiệu sản phẩm để đưa vào các kênh phân phối. Các sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc. Bởi hiện tại trên thị trường có hiện tượng lấy thương hiệu xoài Sơn La, xoài Yên Châu đang bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, trên một số kênh bán hàng online không chính thống đang bán với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg. "Như vậy sẽ có sự chênh lệch giá. Vì vậy rất dễ dẫn tới hiểu lầm cho người tiêu dùng, giảm giá trị sản phẩm", bà Trần Thị Phương Lan nói.

Tại hội nghị, liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại qua hình thức thương mại điện tử, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.

Đối với Sơn La, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử. "Bán hàng trên kênh thương mại điện tử sẽ liên quan đến các vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch, trong khi đó, các trang trại, Hợp tác xã còn yếu khâu này. Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của người nông dân", ông Vũ Bá Phú nói.

Để hỗ trợ người trồng, thời gian tới Cục sẽ phối hợp với các sở, ngành của Sơn La để đào tạo bán hàng qua kênh livestream. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Viettel Post, VNPT và các đơn vị liên quan đưa hoạt động này trong chương trình Thương hiệu Quốc gia, chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để quảng bá cho nông sản của Sơn La nói riêng và các tỉnh nói chung,…

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này