Chìa khóa để kiểm soát, khống chế đại dịch

09:14 | 27/05/2021
(LĐTĐ) Bộ Y tế vừa có kế hoạch phân bổ gần 1,7 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 63 tỉnh, thành phố chuẩn bị cho việc tiêm đợt 3. Việt Nam đã đặt mục tiêu bảo đảm miễn dịch cộng đồng với Covid-19 trong năm 2021 với khoảng 60%-70% dân số được tiêm vắc xin Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vắc xin đang được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi và là chìa khoá để kiểm soát, khống chế đại dịch.
Đề xuất bổ sung thêm đối tượng công nhân lao động vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 Ấm áp "nghĩa đồng bào" trong cơn đại dịch

Đảm bảo an toàn trong tiêm chủng

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 từ ngày 8/3. Tính đến 16h ngày 25/5, đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các Tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là 28.503 người.

Chìa khóa để kiểm soát, khống chế đại dịch
Nhiều cán bộ, phóng viên tại các cơ quan báo chí trên tuyến đầu được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho hay: "Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng".

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc xin phòng Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định như phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời. Vừa qua, đã có 1 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin, đây là một sự cố rất hiếm gặp.

"Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẽ tỷ lệ thuận với số lượng vắc xin sử dụng, vì vậy khi triển khai vắc xin số lượng càng lớn thì số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẽ tăng lên. Vừa qua, với gần 1 triệu liều vắc xin sử dụng, Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường là 18,7%, tỉ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới - WHO", Phó Giáo sư Dương Thị Hồng thông tin.

Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, vắc xin này không chống chỉ định với các trường hợp có bệnh lý nền như: Tiểu đường, tăng huyết áp... Với người có các bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định là một trong những yếu tố cần thận trọng khi tiêm chủng, những đối tượng này cần được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện nếu đủ điều kiện tiêm chủng.

"Người dân khi đi tiêm chủng cần phối hợp với cán bộ y tế, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử bệnh, các thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng, tiền sử phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước... Sau khi tiêm chủng cần theo dõi tình trạng sức khỏe trong 24h đầu và 2 tuần sau đó. Tương tự tiêm chủng vắc xin khác, người đi tiêm chủng cần bảo đảm ăn uống đầy đủ, không để bụng đói khi đi tiêm chủng", Phó Giáo sư Dương Thị Hồng khuyến cáo.

Nỗ lực tìm nguồn vắc xin phục vụ tiêm chủng

Chia sẻ về vai trò của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam - một trong những chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu đã tham gia tư vấn điều trị thành công cho nhiều ca mắc Covid-19 cho biết: Người dân cần thiết phải tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bởi, chỉ có tiêm phòng vắc xin và phải đạt trên 70% dân số được tiêm thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Không có vắc xin thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, chúng ta cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới".

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vắc xin phòng Covid-19, nên ngành Y tế đã và đang nỗ lực tìm nguồn vắc xin phục vụ tiêm chủng cho nhân dân.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược của Việt Nam để phòng, chống dịch Covid-19, để đưa cuộc sống trở lại bình thường là làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận vắc xin phòng Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần hiểu rõ, vắc xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay nên các biện pháp bảo vệ khác như 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) vẫn cần phải thực hiện nghiêm ngặt. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới dù đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, mục tiêu của Việt Nam không những đảm bảo vắc xin tiêm chủng trong năm 2021 mà còn những năm tiếp theo. Do đó theo sáng kiến của Thủ tướng, Việt Nam thành lập Quỹ vắc xin để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vắc xin, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vắc xin. Đồng thời, vắc xin phòng Covid-19 có giá thành khá cao, điều kiện bảo quản tương đối ngặt nghèo, do đó việc tiếp cận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Y tế.

Vị tổng tư lệnh ngành Y tế cũng cho biết, cùng với nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm vắc xin từ bên ngoài, Việt Nam cũng tính tới chiến lược phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong nước. "Đây là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã có chỉ đạo về vấn đề này. Hiện Bộ Y tế đã và đang tích cực làm việc với các đối tác và huy động một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước, với mục tiêu đến năm 2022 chúng ta sẽ có vắc xin phòng Covid-19 "made in" Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này