Người giữ nét đẹp áo dài giữa lòng phố cổ

09:41 | 25/05/2021
(LĐTĐ) Bà Lê Thị Quyến bắt đầu học nghề may áo dài từ năm 12 tuổi. 70 năm gắn bó với từng đường kim mũi chỉ, hơn cả một người thợ may, bà Quyến gắn cuộc đời mình với nghề này như một cách để cố giữ lại chút Hà Nội xưa ngay giữa lòng phố cổ nhộn nhịp.
Áo dài khoe sắc trong Ngày hội non sông Áo dài tôn vinh vẻ đẹp của nữ cán bộ công chức, viên chức ngành văn hóa Thủ đô Áo dài trong trái tim người Việt xa xứ

Tiệm may đi qua hai thế kỷ

Lâu nay, phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn nổi tiếng với những tiệm may có tuổi đời hàng chục năm. Nằm nép mình trên phố, tiệm may Vinh Trạch tại số 23 Lương Văn Can của gia đình bà Lê Thị Quyến (sinh năm 1940) được biết đến là một trong những nơi cuối cùng lưu giữ nghề may áo dài truyền thống ở phố cổ Hà Nội.

Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, cùng với thay đổi của phố thị và của nghề may áo dài, cái “máu nghề” trong người bà vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, thậm chí mỗi lúc một tha thiết hơn. Khi nói về nghề may, kể về cách mà bà đã gắn đời mình với nghề này, mắt bà Quyến vẫn sáng lên và giọng nói tràn đầy nhiệt huyết.

Người giữ nét đẹp áo dài giữa lòng phố cổ
Đã bước qua tuổi 80 nhưng bà Lê Thị Quyến vẫn tâm huyết với nghề may áo dài truyền thống.

Bà Quyến kể, bà là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ). Bà Quyến lớn lên cùng tiếng máy khâu nên sớm tiếp thu được tinh hoa của nghề may mà nói như bà là “nó ngấm sâu vào máu từ lúc nào không hay”.

Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc. Những năm đó, tiệm may không có vải hay quần áo may sẵn như bây giờ. Mỗi khi muốn may quần áo, người ta hay mua vải từ các cửa hàng vải rồi gọi thợ đến tận nhà may đo. Chính vì vậy, từ năm 12 tuổi, bà đã khoác trên vai đồ nghề, theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ. Với sự khéo tay của mình, chẳng mấy chốc mà bà Quyến trở nên nổi tiếng và tên bà được lưu hầu hết trong “bộ nhớ thời trang” của các tiểu thư tân thời dọc các phố Hàng Đào, Hàng Ngang...

Nhớ về ngày đó, bà Quyến nói: “Cha tôi vốn là người nghiêm khắc, khi học ông đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe mà nếu không đạt được sẽ bị phạt rất nặng. Có lần chỉ ngồi sai tư thế khi đạp máy khâu tôi bị ông cụ đánh đòn đau nhớ đời. Từ đó, tôi học được tính cẩn thận và tỉ mỉ, không được sai sót dù chỉ một chi tiết nhỏ”.

Lớn dần lên, bà Quyến tham gia Hợp tác xã may đo Dân Chủ. Nhờ nghề may áo dài, bà đã nên duyên với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh, cũng là một thợ may áo dài có tiếng của làng Trạch Xá. Đến những năm 90, khi đất nước xóa bỏ bao cấp thì tiệm áo dài Vinh Trạch của bà là một trong những tiệm đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can. Trải qua bao khó khăn, bao lần cải cách từ một chiếc chân máy khâu thô sơ, rỉ sét… vợ chồng bà Quyến đã gây dựng nên một thương hiệu nhà may “đình đám” khắp phố Lương Văn Can và khắp cả Hà Nội. Suốt mấy chục năm qua, ngày nào tiệm may cũng mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn để đón khách. Có giai đoạn đông khách đến nỗi cửa hàng của bà phải huy động 8 người thợ, cùng phải ngồi làm việc trên một chiếc sập mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Đến nay, mặc dù đã cao tuổi, nhưng với đôi mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo, bà Quyến hàng ngày vẫn miệt mài may đo cho những vị khách khó tính nhất Hà Nội.

Giữ chút Hà Nội “xưa” giữa lòng phố nhộn nhịp

Khi được hỏi vì sao vẫn còn làm việc ở cái tuổi cao này, bà Quyến tâm sự, việc may áo dài từ thuở ấy đến giờ không đơn giản chỉ là để mưu sinh mà còn là tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với áo dài. Áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và nét đẹp của thiếu nữ Hà thành nên với bà, việc cắt may để tạo ra những chiếc áo dài là niềm hạnh phúc.

Gần 70 năm gắn bó với nghề may áo dài, bà Quyến chứng kiến nhiều sự thay đổi của nghề may cũng như văn hóa mặc áo dài. Theo lời bà Quyến, người Hà Nội có văn hóa mặc rất đặc trưng, đẹp nền nã, kín đáo. Xuyên suốt thế kỷ 20, bất kể ở thời kỳ nào người Hà Nội vẫn gìn giữ nét mặc đó, ngay cả thời kỳ chiến tranh khó khăn, thiếu thốn nhất. Đầu những năm 50, giai đoạn Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng của người Pháp là thời điểm nhu cầu ăn mặc của tầng lớp tư sản ảnh hưởng mạnh bởi trào lưu Âu hóa. Nhưng áo dài vẫn giữ được giá trị của mình, những tà áo dài trở thành một xu thế khẳng định sự lịch lãm và nét duyên dáng của nam thanh nữ tú Hà thành.

Bà Quyến cũng chia sẻ, ngày nay, văn hóa mặc của khách hàng đã thay đổi nhiều, vì vậy đòi hỏi người thợ may như bà luôn phải học hỏi không ngừng nghỉ. Bởi thế những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay bà đều làm được. Để giữ gìn nét truyền thống, bà Quyến cố gắng tối đa các công đoạn tạo ra chiếc áo dài phải được làm thủ công bằng tay không sử dụng máy móc, trừ công đoạn vắt sổ vải. Bà cho rằng một chiếc áo dài đẹp nhất phải được chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Để có một chiếc áo dài đẹp, đòi hỏi người thợ phải kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí. Mọi công đoạn may áo dài phải được chăm chút, tỉ mỉ. Khi đã đo xong, người thợ phải dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà đều tăm tắp và đường chỉ nhỏ xíu. Gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm và được mặc với quần trắng

Đã bước qua tuổi 80 nhưng bà Quyến vẫn cần mẫn với từng đường kim mỗi ngày, với bà Quyến, chiếc áo dài đẹp nhất là chiếc áo được “đo ni đóng giày” cho từng vóc dáng, bất kể là béo gầy, cao thấp và bất kể người ở giai tầng nào. “Chuẩn mực của cái đẹp với áo dài là vô chừng, tôi chỉ mong khách hàng của mình được sở hữu những chiếc áo hoàn thiện và phù hợp nhất. May áo cho người phải may đẹp hơn cho chính bản thân mình”, bà Quyến nói về tiêu chí làm việc của mình.

Chia sẻ về nghề, bà Quyến nói người thợ may giống như làm dâu trăm họ, những người khó tính nhất hay chọn cửa hàng của bà là nơi để đặt hàng. Bằng sự tận tâm nên trong 7 thập kỷ làm nghề, bà chưa một lần làm phật lòng khách. Dù không quảng bá sản phẩm ở bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào nhưng cửa hàng của bà vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt may của khách hàng từ Hà Nội và khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ khách hàng là người Việt Nam mà còn có khách nước ngoài tìm đến người thợ may già này. Có người còn đặt hàng thường xuyên để gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... Với tình yêu áo dài và mong muốn nghề may gia đình được gìn giữ, bà Quyến đã truyền nghề cho các con. Hiện nay, tất cả 7 người con của bà Lê Thị Quyến đều quay về với nghề may áo dài truyền thống./.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này