Nền tảng số: Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

10:50 | 25/05/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh thành gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương; việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp đắc lực giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thời đại 4.0.
Nền tảng số ezCloud: Giải quyết tối ưu các vấn đề của ngành quản trị, kinh doanh và du lịch Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nền kinh tế nền tảng số

Nông sản Việt lên sàn thương mại số

Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì sau gần 2 năm triển khai được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại.

Nền tảng số: Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có mặt trên Sàn thương mại điện tử Lazada.

Từ ngày 19/5/2021, vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức thương mại điện tử. Đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như Alibaba, Voso, Lazada, Sendo. Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hình thức bán hàng này mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Người tiêu dùng mọi miền đất nước, quốc tế sẽ biết đến vải thiều Thanh Hà một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.

Tuy ảnh hưởng bởi dịch nhưng ngay từ đầu mùa thương lái đã tấp nập đến thu mua vải. Hiện tại, vải được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã thu mua vải để đưa vào chuỗi siêu thị như VinMart, Intimex, BigC... và các chợ đầu mối lớn. Người dân thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Nhờ có kinh nghiệm xuất khẩu nên năm nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống buồng phun trùng, khử khuẩn, chế biến quả vải đẹp, bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, góp phần nâng cao giá trị quả vải.

Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, năm 2020 doanh nghiệp này bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay doanh nghiệp dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản. Các đơn hàng vải thiều khi đặt mua tại sàn thương mại điện tử Voso trên “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” sẽ nhận ưu đãi vận chuyển toàn quốc cho tất cả các đơn hàng dưới 20kg khi lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh. Thông qua hình thức chuyển phát nhanh của Viettel Post, Sàn thương mại điện tử Voso sẽ đảm bảo vẹn nguyên về quy trình đóng gói và quá trình vận chuyển, lưu giữ tối đa hương vị tươi ngon của vải thiều Thanh Hà - đặc sản Hải Dương khi đến với khách hàng khắp 63 tỉnh, thành phố.

Trong “Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng các sàn thương mại điện tử đưa ra các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cũng như các mặt hàng nông sản khác của địa phương lên nền tảng số.

Cùng với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang là tỉnh có vùng nông sản vải thiều nổi tiếng trong cả nước. Vấn đề mà tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm hiện nay đó là vụ vải thiều đang bước vào giai đoạn chính, 180 nghìn tấn vải thiều trên toàn tỉnh sẽ khó tiêu thụ nếu không có phương án quyết liệt, cấp bách, trong đó đặc biệt là huyện Lục Ngạn - sản lượng lên tới 120 nghìn tấn. Việc tiêu thụ trái vải thiều năm 2021 chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm 2020, khi Bắc Giang đang làm điểm nóng về dịch Covid-19.

Cũng ngay trong tháng 5 này khi mùa vải thiều Bắc Giang đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, hợp tác với các Sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử.

Đồng hành cùng Bắc Giang, Hải Dương, trong tháng 4/2021 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức thành công sự kiện “Ngày Đặc sản Sơn La” và “Ngày hội Xứ dừa - Quê hương Bến Tre” trên sàn thương mại điện tử Sendo, là những sự kiện quảng bá và tiêu thụ tốt cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

Giải pháp hiệu quả trong dịch Covid-19

Thương mại điện tử không chỉ là giải pháp hiệu quả, lâu dài giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại, mà còn là một giải pháp tích cực nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng phó kịp thời trong đại dịch từ năm 2019 tới nay.

“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” sau gần 2 năm thành lập (từ 12/2019) với việc ký kết “Thỏa thuận hợp tác chiến lược ba bên giữa Cục Thương mại đầu tư và Kỹ thuật số, Sàn thương mại điện tử Sendo và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) về việc phát triển và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên thương mại điện tử tại Việt Nam” không chỉ là giải pháp hiệu quả lâu dài giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại mà còn là giải pháp đắc lực nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng phó kịp thời trong đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị “Cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới”, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đánh giá: Hiện nay việc “chuyển đổi số” tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm. Có nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh tuy nhiên nhưng vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức. “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”; đồng thời, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt uy tín ra nước ngoài.

“Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

Cho tới nay hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, Hiệp hội ngành hàng… tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được phân phối đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, hiển thị rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trang chủ của Sendo, Voso./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này