Hà Nội: Không có hiện tượng găm hàng, tăng giá trục lợi

12:39 | 15/05/2021
(LĐTĐ) Không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả bình ổn mà thời điểm này tại các siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh các chương trình mua sắm, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 30,92% so với cùng kỳ 2020 Đảm bảo thông suốt cho thương mại hàng hóa trong giai đoạn phòng dịch Covid-19 Hà Nội: 120 gian hàng tham gia Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng

Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa

Dạo qua một số siêu thị lớn Aeon, Big C, Hapro Mart, Vin Mart, Co.op Mart, MM Mega Market,… trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, thời điểm này lượng hàng hóa, lương thực thực phẩm khá dồi dào. Trong khi đó, giá của nhiều mặt hàng không tăng mà còn được khuyến mãi lớn. Cụ thể như tại hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Đông trên các kệ hàng, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tươi sống, đông lạnh luôn đảm bảo ổn và đa dạng.

Theo Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, hơn 5 triệu khẩu trang, lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn. Hiện tại sức mua ổn định, giá cả không tăng. Đặc biệt, chưa có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ do lo sợ dịch bệnh.

Hà Nội: Không có hiện tượng găm hàng, tăng giá trục lợi
Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Ghi nhận tại siêu thị Aeon Long Biên, nhiều mặt hàng đã được hệ thống siêu thị gắn chương trình kích cầu tiêu dùng hấp dẫn như, chương trình “Thứ tư vui vẻ - Mua thật rẻ” hàng tuần,... Theo đó, người tiêu dùng sẽ được giảm giá lên đến 50% một số mặt hàng thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm khô đóng gói, rau củ quả, mặt hàng tươi sống,... Đặc biệt, bên cạnh các chương trình khuyến mại trực tiếp, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống siêu thị Aeon còn đẩy mạnh việc bán hàng trên kênh thương mại điện tử với Aeon Eshop, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dân, đa dạng nhằm thu hút người tiêu dùng.

Đề cập đến công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam cho biết, toàn bộ kho hàng của hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị của Aeon đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi sống và đông lạnh.

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp bảo đảm nguồn hàng dự trữ tại kho hàng trên toàn quốc. Nhất là các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt Covid-19 như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang,… luôn đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Toàn bộ hệ thống siêu thị Aeon không có biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chúng tôi cung cấp đa dạng hình thức mua sắm để hạn chế tiếp xúc đông người như mua sắm trực tuyến, mua qua điện thoại của Trung tâm, siêu thị, dịch vụ đi chợ hộ, đặt hàng trên ứng dụng Aeon App, Grabmart”, ông Nhơn Quý cho hay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mới đây Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Công văn số 1408/UBND-KGVX yêu cầu các quận, huyện, thị xã tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Những tưởng sau Công văn này, nhiều người dân sẽ đổ xô đến các siêu thị, chợ Trung tâm để mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm tuy nhiên, khảo sát tại một số chợ truyền thống hàng ngày cũng ghi nhận tình hình tương tự. Hàng hóa phong phú, giá các mặt hàng bình ổn, lượng người mua sắm không đông dù là ngày nghỉ cuối tuần.

Chị Huệ, tiểu thương bán trứng tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 đang bùng phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội, tuy nhiên, nguồn cung cấp trứng không khan hiếm mà rất dồi dào, giá bán ổn định. Đặc biệt, không có hiện tượng đổ xô đi mua gom hàng tích trữ.

Cũng giống như chợ Hà Đông, theo khảo sát của phóng viên tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), lượng người đến chợ mua sắm thực phẩm, rau, củ, quả cũng không có nhiều đột biến. Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân sinh sống tại gần chợ Phùng Khoang cho biết, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chúng tôi không thấy tình trạng người dân đi mua hàng hóa tích trữ; trong khi đó, sáng nào hàng hóa cũng về chợ rất dồi dào, giá cả thậm chí không tăng mà còn giảm hơn do lượng người mua có phần hạn chế bởi nhiều người lựa chọn phương thức mua sắm online để hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi chợ,…

Xây dựng kịch bản chi tiết về nguồn cung hàng hóa

Trong một diễn biến khác, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, ngày 13/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập cuộc họp khẩn tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến 63 tỉnh thành trên cả nước, với yêu cầu cấp bách: Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đồng thời đặt ra một số định hướng phát triển ngành Công Thương trong thời gian tới.

thuc-pham-day-ap-sieu-thi-va-cho-dan-sinh-san-sang-cung-ung-cho-nguoi-dan-20
Thực phẩm đầy ắp siêu thị và chợ dân sinh, sẵn sàng cung ứng cho người dân

Tại Hội nghị, liên quan đến công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống Covid-19.

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nông sản, thực phẩm cho thành phố Hà Nội trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành Công Thương Hà Nội cam kết, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá,…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra. Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng/2021 khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này