Chỉ số PAPI Hà Nội tăng 11 bậc, tiếp tục nỗ lực phục vụ nhân dân

20:45 | 14/05/2021
(LĐTĐ) Với nỗ lực đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở, công tác cải cách hành chính của Thủ đô thời gian qua đã từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 của Hà Nội đã tăng 11 bậc so với năm 2019. Thành phố đang tiếp tục có các giải pháp để khắc phục hạn chế, đặt mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt nhất.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Bảo đảm bầu cử tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống Phát triển đô thị xanh, đến năm 2028 huyện Thanh Oai thành quận Phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"

Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân

Những năm qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao Chỉ số PAPI, đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, từ đó, góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân.

Điển hình là tại huyện Chương Mỹ, nhằm tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, lãnh đạo huyện này đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử huyện Chương Mỹ" trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công thực hiện các phần việc: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng... Ngoài ra, trang này còn có một số tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn.

undefined
Cán bộ Một cửa Ủy ban nhân dân xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch)

Sau gần 1 giờ có mặt tại Ủy ban nhân dân xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai), anh Nguyễn Hồng Quang đã nhận lại toàn bộ hồ sơ đã được công chứng đầy đủ. "Trước đây mình phải mang giấy tờ ra từ buổi sáng, đến chiều mới có kết quả. Nhưng nay chỉ ngồi chờ một lát đã xong việc rồi. Cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo, làm việc rất khẩn trương. Chiều nay mình đã có thể mang hồ sơ đến công ty để nộp xin việc", anh Quang vui mừng bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, nhiều năm nay, cùng với các địa phương khác trong toàn huyện Thanh Oai, bộ phận Một cửa xã Hồng Dương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. "Cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, chúng tôi đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp của cán bộ bộ phận Một cửa", ông Hùng nói và cho biết, trong nhiều năm nay, 100% hồ sơ xã tiếp nhận đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Những nỗ lực của các cấp, các ngành đã đạt được hiệu quả cụ thể. Theo công bố kết quả PAPI năm 2020, Hà Nội đạt 41,63 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tăng 11 bậc so với năm 2019. Chỉ số PAPI năm 2020 của Hà Nội, được tiến hành khảo sát 830 người dân tại 6 đơn vị gồm các quận (huyện): Hoàn Kiếm, Đống Đa, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Thường Tín.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường của Hà Nội có tới 6/8 chỉ số nội dung vừa tăng về điểm số, vừa tăng về thứ hạng (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường); có 2/8 chỉ số nội dung vừa giảm về điểm số, vừa giảm về thứ hạng (cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử). Đáng chú ý, ở cả 3 nội dung thành phần "Hiệu quả tương tác với chính quyền", "Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân", "Tiếp cận dịch vụ tư pháp" đều được người dân đánh giá tốt hơn năm 2019.

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho rằng, Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 41,63 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 11 bậc so với năm 2019 là thành quả rõ nét từ quyết tâm của thành phố Hà Nội để cải thiện chỉ số này thời gian qua.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Dù Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội tăng mạnh về thứ hạng (11 bậc), song về chỉ số tổng hợp chỉ tăng nhẹ (0,1%) và vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất. Trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường có 2 chỉ số nội dung vừa giảm về điểm số, vừa giảm về thứ hạng (cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử).

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 112/BC-UBND ngày 4/5/2021 phân tích kết quả Chỉ số PAPI năm 2020. Trong đó chỉ rõ các giải pháp nhằm cải thiện 8 chỉ số nội dung của PAPI tại Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 22/01/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Thành phố năm 2021; tập trung tổ chức thực hiện rõ nét các nhiệm vụ cụ thể giao cho các sở, ngành. Quá trình triển khai phải gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực của các đơn vị, địa phương.

Thành phố cũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền đến người dân về các quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở; cung cấp cho người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống; phản ánh những nỗ lực của chính quyền trong quản lý điều hành, thành tựu những kết quả của Thành phố đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, phòng, chống tham nhũng... Qua đó, có sự chia sẻ, đánh giá của người dân sát thực hơn; phản hồi kịp thời, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân.

Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã có văn bản số 1284/UBND-SNV ngày 4/5/2021, chỉ rõ, trách nhiệm của các cấp, ngành trong chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện. Trong đó nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; đồng thời yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, chú trọng kiểm tra đột xuất, xác định địa bàn ưu tiên, chú trọng địa bàn kiểm tra trực tiếp tới tận Ủy ban nhân dân cấp xã, thôn, tổ dân phố trong thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI đang là vấn đề được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Thành phố sẽ thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo hướng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, nâng cao tính minh bạch trong quản lý của chính quyền. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này