Cảnh giác trước thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19

18:19 | 09/05/2021
(LĐTĐ) (LĐTĐ) Nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước ta với mục đích gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng nhân dân.
Sơn Tây: Nhiều trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử lý

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang tàn phá, gây ra những hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới thì tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn quân ta đã luôn đồng lòng với một quyết tâm cao là đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, thì trên các phương tiện mạng xã hội lại xuất hiện nhiều tin giả, tin đồn sai sự thật, gây tâm lý hoang mạng, lo sợ trong quần chúng, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tại thành phố Hà Nội, khi xuất hiện các ổ dịch mới tại các bệnh viện, ngày 4/5, trên một kênh fanpage có tên Hà Nội Phố đã chia sẻ lên trang Facebook cảnh phố phường Thủ đô với nội dung: “Hà Nội thông thoáng trong ngày đầu phong toả”. Thế nhưng, thông tin này là hoàn toàn sai sự thật. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ngay sau đó đã phải đính chính lại thông tin trên và không có chuyện Hà Nội bị phong tỏa tại thời điểm này.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đã nhanh chóng xác định được đối tượng thông tin sai sự thật và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử phạt theo quy định.

Trường hợp của fanpage Hà Nội phố chỉ là một trong rất nhiều những tài khoản đăng tin sai sự thật. Nhiều đối tượng sử dụng tài khoản facebook ảo khi đăng tin khiến cho việc truy tìm sẽ khó hơn so với tài khoản Facebook có định danh cá nhân.

Từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã xử phạt 21 cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh, với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng.

Không chỉ tại Hà Nội, tình trạng tin giả trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh cũng xuất hiện nhiều tại các tỉnh thành.

Ngày 6/5, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Ninh Bình, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã triệu tập N.T.H.Anh (sinh năm 1993, trú tại phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) để làm rõ về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Tại cơ quan điều tra, N.T.H.Anh khai nhận đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình có tên “Hờ Anh” để đăng tải bài viết với nội dung: “Lịch trình của F1 tại Tam Điệp…” và đính kèm 2 ảnh chụp báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Tam Điệp. Đối tượng N.T.H.Anh sau đó đã bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Cảnh giác trước thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19
N.T.H.Anh tại cơ quan chức năng (Ảnh: CTT Điện tử Công an tỉnh Ninh Bình)

Còn tại Thừa Thiên-Huế, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vừa xử phạt đối tượng Lê Quang H (sinh năm 1994, trú tại đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế) là chủ tài khoản Facebook Thừa Thiên Huế số tiền 5 triệu đồng do đăng thông tin các ca mắc Covid-19 không có địa điểm, địa chỉ cụ thể, rõ ràng gây hoang mang trong cộng đồng.

Đáng nói, mới đấy, khi Bộ Y tế công bố 1 nữ nhân viên y tế ở An Giang tử vong do sốc phản về sau khi tiêm vắc xin Covid-19, trên mạng xã hội ngay lập tức đã xuất hiện nhiều tin giả . Một số đối tượng xấu đã tung thông tin vắc xin mà chúng ta đang sử dụng là vắc xin giả và xuyên tạc quá trình tiêm vắc xin ở nước ta là quá trình thử nghiệm.

Một số lợi dụng để kêu gọi người dân sử dụng 1 số loại thực phẩm chức năng phòng chống Covid-19; Một số tổ chức, cá nhân có hoạt động chống phá Nhà nước đã lợi dụng việc này để công kích, xuyên tạc công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đưa ra những nhận định và hướng xử lý nghiêm đối với những đối tượng đăng tin sai sự thật này...

Rất nhiều các tin giả có sự tham gia, đứng sau của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước. Các đối tượng này đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; Kích động người dân đình công...

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là: Thiết lập nhiều hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; Bịa đặt các thông tin gây sốc; Hướng dẫn các cách chữa trị tại nhà phản khoa học, từ đó kêu gọi người dân tự chữa bệnh, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; Lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Nhiều người dân sử dụng mạng xã hội do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật lên trang Facebook cá nhân. Hành động này đã vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin sai sự thật nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online…

Để chung tay chống lại dịch bệnh, bên cạnh nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, thì người dân cần chung sức, đồng lòng, tỉnh táo trước những thông tin trên không gian mạng, đồng thời lên án những hành vi tuyên truyền sai sự thật, loại bỏ thông tin tiêu cực, góp phần vào thành công của công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Vũ Bình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này