Thông điệp về nguyên tắc “3 không” của Thủ tướng

16:16 | 29/04/2021
(LĐTĐ) Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra nguyên tắc “3 không” đối với Bộ này.
Hiệu lệnh của Thủ tướng Năm chương trình hành động vì mục tiêu chung

Các nguyên tắc gồm: “Không nói không; không nói khó; không nói có nhưng không làm”. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thứ 2 sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ tiến hành làm việc kể từ khi ông nhậm chức. Và nguyên tắc này, xét trên phạm vi rộng cũng là áp dụng cho tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Thông điệp về nguyên tắc “3 không” của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (ảnh CP)

Theo tác giả, “Không nói không” - nghĩa là các bộ, ngành phải chấm dứt tình trạng mỗi lần đề cập đến trách nhiệm, công tác quản lý Nhà nước của đơn vị mình, hoặc cá nhân phụ trách thường có những cách trả lời chống chế, như “chúng tôi không biết; chúng tôi không liên quan, không phải lĩnh vực của chúng tôi; chúng tôi không có khả năng…”!

“Không nói khó” - nghĩa là đã là cơ quan quản lý Nhà nước, ở từng vị trí lãnh đạo khi được giao việc thì không được phép nói: “Cái này khó quá không thể triển khai; lĩnh vực này mới nên khó, cần phải có thời gian nghiên cứu…”. Với tư cách là cơ quản quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách như các bộ, ngành, nếu “khó” về cơ chế phải kịp thời có những ý kiến tham mưu trực tiếp cho Chính phủ, để Chính phủ, Thủ tướng kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội hoặc nếu phạm vi rộng hơn trình Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo để gỡ “nút thắt” về mặt cơ chế đẩy nhanh tiến độ, tránh độ ỳ nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.

Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư một dự án giao thông A, nhưng chưa thể triển khai, hoặc trong quá trình triển khai bị vướng các cơ chế về tài chính, đất đai mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp ban hành, hay văn bản bị chồng chéo, chưa thể “cắt nghĩa”… Bản thân Bộ không thể ngồi đó “kêu” khó mà phải nhanh chóng tham mưu Chính phủ để có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

“Không nói có nhưng không làm” - nghĩa là phải chấm dứt việc hứa mà không làm, hứa suông. Ví như tại các cuộc họp của Chính phủ, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội, một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ “hứa” khá nhiều, nhưng tận đến kỳ họp sau, đại biểu Quốc hội “truy” vẫn chưa triển khai. Hứa mà không làm, cũng là một trong những tình trạng chung ở một số cơ quan quản lý Nhà nước thời gian qua. Vì vậy, thông điệp “không nói có nhưng không làm” là lời nhắc nhở rất logic và khoa học của người đứng đầu Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rằng: Khi đã hứa (nói sẽ làm), thì phải có lộ trình, chương trình hành động rõ ràng để ra được kết quả. Tuyệt đối không tái diễn tình trạng “nói suông, hứa suông”. Phải hành động và hành động!

Nguyên tắc “3 không” của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải không chỉ là thông điệp gửi tới ngành Giao thông Vận tải mà còn đến lãnh đạo tất cả các bộ, ngành, tỉnh, thành về nâng cao trách nhiệm của mình trước Đảng và Nhân dân; tiếp nối tinh thần: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân”. Đồng thời, sẽ tạo ra luồng gió mới trong điều hành, quản lý Nhà nước góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này