Tập trung giám sát việc niêm yết danh sách cử tri

12:54 | 22/04/2021
(LĐTĐ) Chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của những người ứng cử. Ý thức được điều đó, trong các bước hiệp thương, Mặt trận Tổ quốc các cấp đều hướng tới làm sao lập danh sách được những người đủ tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực trình độ.
Hoàng Mai, Gia Lâm: Đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri Biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV Cơ bản hoàn thành danh sách cử tri

Sự tín nhiệm khẳng định chất lượng ứng cử viên

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 19/4, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba theo đúng quy định của pháp luật. Với việc tổ chức 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được lựa chọn và thông qua.

Ở cấp Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu.

Tập trung giám sát việc niêm yết danh sách cử tri
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu.

Theo đánh giá của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay những nội dung ở từng vòng hiệp thương đều được Mặt trận Tổ quốc các địa phương thực hiện dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ về chất lượng 3 vòng hiệp thương của Mặt trận các tỉnh, thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Đến nay những nội dung ở từng vòng hiệp thương đều được Mặt trận Tổ quốc các địa phương thực hiện dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.

Trong các bước hiệp thương, Mặt trận đều hướng tới làm sao lập danh sách được những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Bởi lẽ, chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của những người ứng cử, chính vì vậy, tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực trình độ của những ứng cử viên rất được quan tâm.

Hay như đối với các đại biểu chuyên trách phải có kiến thức chuyên sâu để tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát. Đặc biệt, những người được chính thức giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận

Nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng trong công tác bầu cử, gồm: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử;

Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, ông Ngô Sách Thực cho biết: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố sẽ hoàn thiện danh sách những người đủ tiêu chuẩn ở các hội nghị hiệp thương để chuyển tới Ủy ban bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp.

“Trách nhiệm của Mặt trận là giám sát việc giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn vào các địa phương và các đơn vị bầu cử. Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ tập trung giám sát việc lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử để đảm bảo những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh đơn thư khiếu nại, tố cáo phải được các cấp có trách nhiệm giải quyết kịp thời”, ông Ngô Sách Thực thông tin.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ bầu cử theo quy định của pháp luật, ngay sau hội nghị hiệp thương ba, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT ngày 19/01/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ sáng ngày 22/5/2021).

Với các ứng cử viên, ông Ngô Sách Thực cho hay, sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Quốc hội thông báo cho người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình sắp xếp thời gian về địa phương nơi ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo Kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Người ứng cử ở địa phương nào thì chủ động liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đó để biết kế hoạch và lịch tiếp xúc cử tri.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị, việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri phải được tiến hành rộng rãi để các ứng cử viên tiếp xúc sâu với người dân, tránh tiếp xúc hình thức. Trong tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là phải tạo ra công bằng cho các người ứng cử.

Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng là kênh rất cũng rất quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử.

“Một nội dung nữa là các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lực lượng công an và các đơn vị liên quan phải phối hợp bảo đảm thực hiện Luật An ninh mạng, bởi có thể sẽ có thông tin sai lệch về những người ứng cử bị đưa lên mạng, ảnh hưởng không công bằng đến người ứng cử”, ông Ngô Sách Thực đề nghị./.

N.Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này