Chuyện bác sĩ, Chủ tịch Công đoàn chống dịch

11:33 | 22/04/2021
(LĐTĐ) Hơn 1 năm qua, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước đã và đang tiếp tục thể hiện ý chí, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn đứng vững ở tuyến đầu chống dịch... Thời điểm này, khi Hà Nội đã trở về những ngày “bình thường mới”, khi dịch bệnh Covid-19 tạm thời được đẩy lùi, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thạc sĩ - Bác sĩ Hoàng Xuân Huệ, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm.
Những tấm gương truyền cảm hứng Nhân lên những việc tử tế từ “tổ hợp miễn phí”

Những ngày không quên

Ngày cuối cùng của tháng 1/2021 là một ngày không thể nào quên đối với bác sĩ Hoàng Xuân Huệ. Ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn (bệnh nhân N.Q.M, nam, có địa chỉ tại số 479 đường Phúc Diễn, tổ 1, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), không đầy 1 ngày sau đó, trên địa bàn đã xác định thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các ca bệnh mới đều là người cùng nhà với bệnh nhân N.Q.M. Chùm 6 ca mắc Covid-19 ngay trong một gia đình đã khiến y bác sĩ, các cơ quan chức năng “đau đầu” tìm phương án xử lý.

Chuyện bác sĩ, Chủ tịch Công đoàn chống dịch
Bác sĩ Hoàng Xuân Huệ là một trong những y bác sĩ đi đầu trên tuyến đầu chống dịch

“Thời điểm đó, trường hợp bệnh nhân là học sinh Trường tiểu học Xuân Phương có lẽ là trường hợp phức tạp nhất. Do vậy, sau khi họp trực tuyến về công tác chống dịch với Thành phố trong chiều 30/1 thì ngay rạng sáng 31/1, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội cũng đã có cuộc họp khẩn với quận Nam Từ Liêm. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Uỷ ban nhân dân quận đã quyết định cho học sinh nghỉ học, kiểm soát dịch tễ tại nhà. Đặc biệt, thành lập khu cách ly tập trung tạm thời ngay tại trường với những trường hợp F1”, chị Huệ nhớ lại.

Đêm hôm đó, chị Huệ cùng các y bác sĩ của Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phải trắng đêm “dập dịch”. Họ đã thực hiện tất cả các biện pháp y tế theo quy định, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các trường hợp liên quan ngay trong đêm. Và cũng nơi đây đã ghi nhận một cái Tết đặc biệt chưa từng có ở một nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của cô và trò trường Tiểu học Xuân Phương. Thời điểm đêm giao thừa, những đôi tay bé xíu của các con vẽ bông hoa đào trên bảng; thương các cô giáo và nhất là các con lần đầu tiên ăn tết xa nhà, chị Huệ và một số đồng nghiệp của mình đã kìm nén cảm xúc để động viên tinh thần, trấn an tâm lý cho cô và trò yên tâm đón Tết.

Khi được hỏi về sự hi sinh trong công tác chống dịch, chị Huệ bày tỏ, nỗ lực của chị không là gì so với Giám đốc Trung tâm y tế quận và các đồng nghiệp của mình. Một thời gian dài, trên những chiếc bàn la liệt test xét nghiệm, đồng nghiệp của chị với bộ đồ bảo hộ kín mít nóng bức như tắm hơi trong cả ca trực. Một hai ngày đầu không thể nhìn nổi, khẩu trang làm mờ hết kính bảo hộ, lại thêm lớp kính chắn bên ngoài. Với những chiến binh này, thời gian được tính bằng tốc độ lấy mẫu xét nghiệm.

Chia sẻ về những khó khăn đặc thù riêng của địa bàn, chị Huệ cho biết, Nam Từ Liêm là quận có số lượng người nước ngoài sinh sống cao nhất Thành phố. Trong đợt dịch thứ ba, quận ghi nhận số lượng người đi về từ vùng dịch Hải Dương cao chỉ sau quận Hoàng Mai. Chính vì vậy, mỗi cán bộ của Trung tâm Y tế quận phải “chia lửa” cho nhau. Cán bộ khoa kiểm soát bệnh tật và khoa xét nghiệm là “thủ lĩnh” hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho cán bộ của các khoa, phòng, trạm y tế. 100% cán bộ y tế được tập huấn nhiều lần về sử dụng bảo hộ lao động và kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc bảo đảm an toàn cho đồng nghiệp là ưu tiên hàng đầu vì nếu không bảo vệ được cán bộ y tế thì coi như thất bại trong công tác phòng chống dịch.

Cán bộ Công đoàn gương mẫu, nhiệt tình

Say sưa bên những câu chuyện về đồng nghiệp, khi được hỏi về mình, chị chỉ cười: “Mình có làm được gì đâu”. Có lẽ, ngay từ khi bước chân làm nghề y chị đã xác định vai trò của một bác sĩ phải gắn liền với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ giúp đỡ cộng đồng. Bên cạnh vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận, chị Huệ còn là một Chủ tịch Công đoàn gương mẫu, nhiệt tình.

Chị Huệ chia sẻ, thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, mặc dù nước ta đã kiểm soát tốt dịch, tuy nhiên những tác động của đại dịch đến tình hình lao động sản xuất nói chung và của đoàn viên công đoàn, người lao động ngành y tế là hết sức rõ rệt. Trong hơn một năm thực hiện chống dịch Covid-19, cán bộ Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã đoàn kết, trách nhiệm, tận tụy với công việc ở những điểm nóng của dịch bệnh. Nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ luôn túc trực, không quản ngày đêm, cách ly gia đình và người thân để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, tạo điều kiện vững chắc củng cố thành quả chống dịch.

Do vậy, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, chị Huệ đã đề xuất với cấp trên thường xuyên quan tâm, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế. Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhằm thể hiện đúng vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế, coi sức khỏe của cán bộ y tế là tài sản quốc gia. Trong thời gian qua, Công đoàn Trung tâm Y tế quận đã chủ động phối hợp với các đơn vị để triển khai nhiều hoạt động mang tính hiệu quả cao, đặc biệt trong phòng, chống Covid-19. Động viên cán bộ, đoàn viên, người lao động Trung tâm Y tế quận hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”…

Bên cạnh đó, chị Huệ còn là một trong những cán bộ Công đoàn đi đầu trong các phong trào của tập thể, cộng đồng. Chị thường xuyên kêu gọi đoàn viên công đoàn quyên góp, giúp đỡ đối với những gia đình người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đến tận nhà để động viên, trao quà và toàn bộ kinh phí huy động được cho gia đình người bệnh. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn máu hiến tặng đã thiếu càng trở nên thiếu hụt trầm trọng. Nhận được kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội về vận động hiến máu tình nguyện, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của đơn vị, chị triển khai đến toàn bộ các tổ công đoàn, đến từng trạm trưởng trạm y tế các phường để huy động nguồn máu hiến tặng. Chị cùng các đồng nghiệp, nhân viên trong đơn vị tham gia hiến máu sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sức khỏe. Nhờ vậy mà nguồn máu hiến tặng vượt chỉ tiêu đặt ra, những giọt máu hiến tặng mang ý nghĩa gấp đôi trong cơn bão dịch Covid-19.

Và còn nhiều, rất nhiều câu chuyện tình người được chị và các đồng nghiệp nhắc đến trong mùa dịch. Sự đóng góp thầm lặng của bác sĩ Huệ cùng các đồng nghiệp của chị là một trong những câu chuyện về những “bông hồng” trên tuyến đầu chống dịch và về sự tử tế phía sau chiếc áo blouse trắng.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này