Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021: Đa dạng phương thức xét tuyển

11:40 | 13/04/2021
(LĐTĐ) Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên địa bàn cả nước đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021. Theo công bố của các trường, sẽ có nhiều phương thức xét tuyển được áp dụng. Do đó, học sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tránh nhầm lẫn dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Ổn định để không bị xáo trộn

Kết hợp nhiều phương thức

Trong mùa tuyển sinh năm 2021, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển dành cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau như: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm học bạ, các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng, qua phỏng vấn... hoặc dựa trên điểm các kỳ thi riêng do chính các trường tổ chức.

Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021: Đa dạng  phương thức xét tuyển
Đông đảo học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 vừa được tổ chức ngày 11/4 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: P.T

Chẳng hạn, năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.420 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển chính: Xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức. Trong đó, nhà trường dự kiến lấy 10 - 20% chỉ tiêu từ xét tuyển tài năng, 30 - 40% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và 50 - 60% chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Không chỉ thế, với kỳ thi này nhà trường còn điều chỉnh theo hướng lấy một đầu điểm để xét tuyển, thay vì xét kết hợp với kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông như năm 2020.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 vừa được tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, năm nay là năm thứ hai nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với mong muốn giúp học sinh có thêm cơ hội chứng minh năng lực và cơ hội vào trường, bởi thực tế, có nhiều học sinh trong quá trình học tập đạt kết quả tốt nhưng lại không may mắn khi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Các học sinh có thể đăng ký tham dự làm bài kiểm tra tư duy của nhà Trường dự kiến diễn ra vào ngày 15/7, tức là sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông một tuần.

Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 11.250 chỉ tiêu. Nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021; xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2021 và các chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS và chứng chỉ quốc tế tương đương - có trong danh mục quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội); xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc Trung học phổ thông, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 hoặc thí sinh có bằng tú tài quốc tế) đối với một số đơn vị đào tạo có hợp tác quốc tế và chương trình dạy bằng tiếng Anh; xét tuyển thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Đại học Ngoại thương cũng cho hay, năm 2021, nhà trường vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước là 3.990 chỉ tiêu tại cả 3 cơ sở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Đây cũng là năm nhà trường bắt đầu tuyển sinh 2 chương trình đào tạo chất lượng cao mới bao gồm: Chương trình Chất lượng cao Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp và Chương trình Chất lượng cao Tiếng Anh thương mại. Bên cạnh việc dành 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác như: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên…

Em Trần Minh Phương (học sinh Trường Trung học phổ thông Quảng Oai, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Điều em thấy mừng nhất là ngoài phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, các trường có thêm nhiều hình thức khác như xét học bạ hoặc tổ chức thi riêng... Em sẽ tận dụng tối đa các hình thức xét tuyển để vừa giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa có thêm cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng”.

Cơ hội vào đại học không giảm

Trước lo lắng của học sinh cho rằng, năm nay, học sinh tuổi Quý Mùi tăng đột biến nên cơ hội trúng tuyển đại học có thể giảm so với năm trước, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 vừa được tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin về vấn đề này. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thống kê sơ bộ số lượng học sinh lớp 12 năm nay và thấy không có sự biến động đột biến so với năm trước. Bên cạnh đó, chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giữ ổn định. Vì vậy việc xét tuyển vào các trường dự báo không có xáo trộn nhiều.

Vừa qua, tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021. Trong khuôn khổ Ngày hội, các em học sinh cùng các bậc phụ huynh đã được các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia tuyển sinh của các trường cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021; kinh nghiệm ôn thi hiệu quả; cách chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp; phương thức tuyển sinh của các trường, môi trường đào tạo...

Cùng với đó, học sinh cũng được tiếp cận thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề trong tương lai; những thay đổi về cơ cấu ngành nghề trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo (Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông tin thêm: Năm 2020 có khoảng 930.000 thí sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó khoảng 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Tỷ lệ chỉ tiêu các trường tuyển được đạt khoảng 72-74%. Nếu năm nay số thí sinh có tăng hơn, các trường có thể tuyển đủ 100% chỉ tiêu thì cơ hội của thí sinh cũng không bị sụt giảm. Tuy nhiên, các thí sinh cần lưu ý rằng, cơ hội chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi thí sinh.

Em Nguyễn Tuấn Minh (học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Mặc dù được hỗ trợ nhiều hơn, trong đó có việc tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng, song em cũng xác định phải tiếp tục cố gắng học tốt và học thật chứ không trông chờ vào sự may mắn”.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyên thí sinh: “Tương lai đang rất rộng mở với nhiều ngành, nhiều trường hấp dẫn. Điều quan trọng nhất là mỗi học sinh nên xác định rõ sở trường, thế mạnh của mình là gì. Các trường học giờ đào tạo đa ngành nên học sinh rất rộng cửa trong việc lựa chọn ngành, chọn trường theo học. Không nên từ bỏ giấc mơ của mình, điều quan trọng nhất là không ngừng cố gắng, luôn kiên định theo đuổi ước mơ và thể hiện thật tốt trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới…”.

Được biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 trên cả nước bắt đầu từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5. Từ nay tới khoảng thời gian đó, các thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đặt bút quyết định nguyện vọng./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này