Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nhiều ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên

19:01 | 07/04/2021
Ngày 7/4, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; và đang lấy ý kiến góp ý.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Ổn định để không bị xáo trộn Học sinh không nên quá lo lắng

Bộ GD&ĐT quy định chỉ tiêu tuyển sinh được xác định độc lập theo từng trình độ đào tạo. Cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.

Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) ngành Giáo dục Mầm non, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (ĐH) các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ (ThS), tiến sĩ (TS) xác định theo từng ngành đào tạo; chỉ tiêu đào tạo trình độ ĐH các ngành khác xác định theo từng lĩnh vực đào tạo. Cơ sở đào tạo chủ động phân chia chỉ tiêu của từng ngành và nhóm ngành đào tạo, bảo đảm phù hợp với năng lực thực tế của ngành, nhóm ngành và không vượt quá chỉ tiêu đã được xác định theo lĩnh vực đào tạo.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nhiều ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ảnh: Thủy Trúc.

Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cụ thể:

Chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo được xác định phù hợp với năng lực thực tế của cơ sở đào tạo theo quy định.

Chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo không được tăng so với chỉ tiêu tuyển sinh ở năm trước liền kề của cơ sở đào tạo ở một trong các trường hợp: Cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong vòng 1 năm tính từ khi đang công nhận tốt nghiệp theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề của cơ sở đào tạo đạt dưới 90%; tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề của cơ sở đào tạo đạt dưới 80%.

Trường hợp cơ sở đào tạo vi phạm quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm. Tùy theo mức độ vi phạm của cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT xem xét, thông báo chỉ tiêu đối với cơ sở đào tạo trên cơ sở đề nghị của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không vượt quá 90% năng lực thực tế của cơ sở đào tạo.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nhiều ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên
Các ngành đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch, công nghệ thông tin được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên.

Ngành đào tạo mới mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành nằm trong năng lực đào tạo của lĩnh vực tương ứng và không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định. Từ năm tuyển sinh tiếp theo chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này được xác định như các ngành đã đào tạo của cơ sở đào tạo.

Các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh chính quy theo từng ngành và theo trình độ CĐ, ĐH trên cơ sở năng lực của cơ sở đào tạo và nhu cầu sử dụng.

Chỉ tiêu đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ, ĐH hình thức vừa làm vừa học và chỉ tiêu đào tạo trình độ ThS, TS, cơ sở đào tạo tự chủ xác định chỉ tiêu bảo đảm theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành của pháp luật.

Các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các trình độ và hình thức đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo và nhu cầu sử dụng, bảo đảm phù hợp với quy định.

Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ các ngành đào tạo được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên. Đó là: Những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu về nhân lực Du lịch được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ ĐH gồm: Du lịch (mã ngành 7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã ngành 7810103); Quản trị khách sạn (mã ngành 7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (mã ngành 7810202) và các mã ngành đào tạo khác đáp ứng nhu cầu về nhân lực Du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ ĐH hiện hành của Bộ GD&ĐT để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

Những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu về nhân lực Công nghệ thông tin được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ ĐH gồm: Khoa học máy tính (mã ngành 7480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (mã ngành 7480102); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành 7480103; Kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480106); Hệ thống thông tin (mã ngành 7480104); Hệ thống thông tin quản lý (mã ngành 7340405); Công nghệ kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480108); Công nghệ thông tin (mã ngành 7480201); An toàn thông tin (mã ngành 7480202). Và, các mã ngành đào tạo khác đáp ứng nhu cầu về nhân lực Công nghệ thông tin chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ ĐH hiện hành của Bộ GD&ĐT để đáp ứng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin.

Theo Oanh Trần/kinhtedothi.vn

http://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-nhieu-nganh-duoc-ap-dung-co-che-dao-tao-uu-tien-415218.html

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này