Siêu đô thị con đường không xa

16:11 | 30/03/2021
(LĐTĐ) Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”- Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một siêu đô thị trong tương lai. Đây chính là ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành trong phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.
Xây dựng Thủ đô xứng tầm khu vực Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để kinh tế Hà Nội phát triển có chiều sâu Hà Nội phát triển đô thị bền vững
Siêu đô thị con đường không xa
Ảnh minh họa: M.Phương

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Hà Nội là đô thị đặc biệt và đang hướng tới trở thành một siêu đô thị. Trong những năm qua, Thủ đô có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, ngày càng khẳng định là động lực phát triển của vùng Thủ đô, hạt nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực phía Bắc. Cạnh đó, Hà Nội cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đan xen, thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị, tạo áp lực vô cùng lớn đối với giao thông, môi trường…

Và để Hà Nội phát triển xứng tầm Thủ đô của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị “Thành phố cần tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với vùng Thủ đô để tạo ra các đô thị vệ tinh, kết nối thông qua các tuyến đường vành đai. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy hoạch phát triển Thủ đô cân đối, lấy trục sông Hồng là điểm nhấn, trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ về hạ tầng về phía bắc sông Hồng để nơi đây trở thành động lực phát triển chính.

Đồng thời, Hà Nội cũng cần phát triển các khu đô thị mới để tạo động lực phát triển, đồng thời, giãn dân trong nội đô; trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ theo hướng sử dụng vốn ngân sách nhà nước… Thành phố đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ODA để Thủ đô phát triển hạ tầng”.

Như chúng ta biết, để trở thành siêu đô thị, thành phố đó cần phải hội tụ các yêu tố: Diện tích tự nhiên, dân số, kết cấu hạ tầng, dịch vụ và nguồn nhân lực. Với những thành tố này, Hà Nội trong tương lai không xa “thừa sức” trở thành đại siêu thị tầm cỡ Đông Nam Á, châu Á.

Về diện tích, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số địa phương có hiệu lực 1/8/2008, diện tích Hà Nội đã lên đến trên 3.300 km2, nên dư địa chí cho phát triển đô thị vẫn còn rất lớn. Cạnh đó, quy mô dân số đến nay đã vượt ngưỡng trên 9 triệu dân, với tốc độ tăng dân số ở mức cơ học, thời gian không xa, Hà Nội sẽ có quy mô dân số trên 10 triệu người.

Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, cùng với vận dụng các cơ chế, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước… Hà Nội đã và đang tạo ra bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Không những thế, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tập trung các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu và hệ thống các trường đại học, cao đẳng nghề… nên tạo ra chất lượng nguồn nhân lực rất lớn cho Thành phố.

Không những thế, nếu tháng 6 tới Đồ án Quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng được phê duyệt, cũng như Đồ án quy hoạch 4 quận nội đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thành phố thông qua… Đây chính là những tiền đề để Hà Nội trở thành “siêu đô thị” trong tương lai theo hướng văn minh, hiện đại.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này