Thúc đẩy các chủ thể yếu thế sử dụng tài chính tiêu dùng:

Góp phần tăng trưởng và lành mạnh hóa thị trường

10:23 | 30/03/2021
(LĐTĐ) Theo số liệu của hệ thống ngân hàng, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.
Khi dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản Thị trường chứng khoán 15/3: Nhóm bất động sản nổi bật chiều đi lên

Tại hội thảo “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc thúc đẩy các chủ thể yếu thế sử dụng dịch vụ tài chính, phát triển tài chính tiêu dùng sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, có thu nhập không cao. Bằng cách này, các công ty tài chính tiêu dùng đã giúp đẩy mạnh quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam với các hộ gia đình, các chủ thể yếu thế trong nền kinh tế.

Góp phần tăng trưởng và lành mạnh hóa thị trường
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết để phát triển tài chính tiêu dùng cần phải quan tâm hoàn thiện các vấn đề pháp lý. Ảnh: BT

Khi nhu cầu chi tiêu của xã hội tăng cao từ kết quả của hoạt động tài chính tiêu dùng và các khoản vay nhỏ lẻ với thủ tục đơn giản sẽ là lực hút thúc đẩy nền sản xuất phát triển, thúc đẩy tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Tài chính tiêu dùng phát triển sẽ kích thích hệ thống bán lẻ trong nền kinh tế phát triển, đồng thời, sẽ kích thích các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh và hàng hóa tiêu dùng…ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế đang tái cấu trúc quá trình sản xuất kinh doanh và hướng mạnh vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nội địa, thì việc cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn mà các công ty tài chính tiêu dùng đang triển khai là lĩnh vực quan trọng, cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu của hệ thống ngân hàng, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội…

Tài chính tiêu dùng đang tạo ra một khối lượng lớn công ăn việc làm với một lực lượng lao động có tay nghề và hiểu biết luật pháp cao. Đến hết năm 2020, ước tính các công ty tài chính đã tạo ra khoảng 51.000 việc làm, trong đó, riêng ba công ty tài chính hàng đầu đang sở hữu khoảng gần 40.000 nhân viên. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền, tư vấn, kết nối và thẩm định để thực hiện các khoản vay tiêu dùng và các loại hàng hóa khác của thị trường tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, là một lĩnh vực tương đối mới trong lĩnh vực tài chính, các vấn đề pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng chưa đầy đủ và chưa toàn diện, cụ thể. Hơn nữa, do nhận thức người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng chưa cao, việc hỗ trợ, môi giới tín dụng chưa đầy đủ, trong khi tài chính tiêu dùng thường có thời hạn cho vay ngắn và lãi suất cao hơn của các ngân hàng thương mại nên có một thiểu số các chủ thể khi vay đã không trả được nợ khiến có những vụ việc một số cá nhân môi giới hành xử vượt mức cho phép gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động tài chính tiêu dùng. Đây là vấn đề khó khăn ở Việt Nam khi nền kinh tế mới chuyển sang cơ chế thị trường.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đang được đánh giá có triển vọng hàng đầu trong khu vực để phát triển tài chính tiêu dùng.

Với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thực hiện cải cách, đổi mới nền kinh tế, thị trường tài chính tiêu dùng đã từng bước được hình thành và phát triển ở Việt Nam từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tài chính tiêu dùng vẫn ít được quan tâm và chỉ được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần nhỏ của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: “Để phát triển tài chính tiêu dùng cần phải quan tâm hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn các các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó mới thu hút được khách hàng tốt hơn. Các công ty tài chính tiêu dùng cần xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu khách hàng tín dụng tiêu dùng thật tốt và đầy đủ, có lịch sử vay nợ và khả năng thu nhập của các chủ thể vay. Trong điều kiện của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mang công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: “Để phát triển tài chính tiêu dùng cần phải quan tâm hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó mới thu hút được khách hàng tốt hơn. Các công ty tài chính tiêu dùng cần xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu khách hàng tín dụng tiêu dùng thật tốt và đầy đủ, có lịch sử vay nợ và khả năng thu nhập của các chủ thể vay. Trong điều kiện của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số”.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường tài chính tiêu dùng đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Thị trường đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh với khoảng 18 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng thương mại có dịch vụ cho vay tiêu dùng. Cũng theo chuyên gia, hàng loạt các công ty tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng đã chủ động tham gia vào hoạt động tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã thúc đẩy và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ cho thị trường.

Tài chính tiêu dùng đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu. Các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân hàng không thể đáp ứng. Với nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất…, với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của người dân, giúp người dân có thể chủ động trong chi tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này