Cấp căn cước công dân gắn chíp: Hết lòng phục vụ nhân dân

10:44 | 25/03/2021
(LĐTĐ) Thời gian này, cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. Tại nhiều nơi, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức làm việc tất cả những ngày trong tuần nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.
Phục vụ đến người dân cuối cùng mới nghỉ! Hà Nội: Phát động triển khai đợt cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân

Tại thành phố Hà Nội, nơi có lượng dân cư đông thứ 2 cả nước, những ngày này, rất đông người dân đi đăng ký làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an đã có yêu cầu đến trước ngày 1/7/2021, cấp 50 triệu căn cước công dân gắn chíp đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp trên toàn quốc, ưu tiên cấp cho các cá nhân từ 14 tuổi trở lên và người thường xuyên thực hiện các giao dịch.

Cấp căn cước công dân gắn chíp: Hết lòng  phục vụ nhân dân
Cán bộ chiến sĩ Công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp cho người dân. Ảnh: Minh Phương

Ðặc biệt, 50% số dân cư trú tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, từ 14 tuổi trở lên phải được cấp căn cước công dân mới trước ngày 30/4/2021. Vì vậy, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội, Công an các quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai rất tích cực việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân.

Tại quận Hai Bà Trưng, mỗi ngày đều có hàng trăm lượt người tới xếp hàng tại trụ sở của Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an quận Hai Bà Trưng để làm thủ tục cấp căn cước công dân. Càng về trưa, số lượng người càng tăng lên, nhịp độ làm việc của các cán bộ chiến sĩ cũng vì thế mà trở nên khẩn trương hơn. Trung tá Hà Thị Hương Thơm, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: “Quy trình công dân làm thẻ chỉ mất 5 phút/bộ hồ sơ, gồm: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thông tin, nhận dạng, lăn tay, chụp ảnh. So với trước đây, thủ tục đã được rút ngắn rất nhiều. Thời gian này, trung bình mỗi ngày điểm cấp căn cước công dân lưu động tại trụ sở Công an quận tiếp nhận và xử lý hơn 450 trường hợp, 3 máy quét vân tay chạy hết công suất, để đáp ứng nhu cầu của công dân trên địa bàn quận. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên tăng ca đến nửa đêm”.

Được biết, qua quá trình rà soát, thu thập dữ liệu, hiện trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có khoảng 200.000 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa có mã định danh cá nhân. Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ chiến sĩ, đến thời điểm hiện tại, quận đã tiến hành cấp căn cước công dân cho 34.472 trường hợp đạt 22% chỉ tiêu đề ra. Quận cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao.

Ngoài trụ sở, cán bộ, chiến sĩ công an tại các quận, huyện của thành phố Hà Nội còn tổ chức làm căn cước công dân bằng hình thức lưu động, mở thêm nhiều điểm làm nhằm tiết kiệm thời gian cho người dân. Trung tá Hoàng Phú Dũng, Phó Ðội trưởng Cảnh sát Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Ðống Ða cho biết, để đáp ứng đủ số lượng người dân tới làm thủ tục cấp căn cước công dân mới, cùng với 2 ca giờ hành chính, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã bố trí thêm ca tối từ 19h – 23h30 tất cả các ngày trong tuần.

Chị Trần Thúy An, trú ở quận Đống Đa chia sẻ, do chứng minh nhân dân cũ vừa hết hạn nên chị xin cơ quan cho nghỉ 2 giờ buổi sáng để đi làm căn cước công dân mới. Khi tới nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân của Công an quận Đống Đa, mọi thủ tục kê khai, lấy dấu vân tay, chụp ảnh đều rất nhanh gọn, chỉ mất vài phút chị đã hoàn thành và được cầm giấy hẹn chờ ngày lấy thẻ.

Vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Với số lượng người tới làm căn cước công dân lớn, nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo đã được các địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho người dân. Cụ thể tại quận Bắc Từ Liêm, theo thống kê, có gần 51.000 trường hợp nằm trong diện được cấp căn cước công dân. Vì vậy, để kịp tiến độ, bên cạnh kíp trực tại trụ sở, lực lượng Công an quận tiếp tục tới các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, trường học hay khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn để làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân. Thời gian phân lịch cấp lưu động từ 2-3 ca mỗi ngày và kéo dài từ 7h30 đến đêm. Để công dân nắm được lịch, lực lượng công an quận còn tuyên truyền bằng xe đạp gắn loa phát thanh tuyên truyền nội dung cấp căn cước công dân cụ thể về đối tượng, thời gian, địa điểm và thủ tục, tổ chức tuyên truyền trước và trong thời gian diễn ra cấp căn cước công dân lưu động tại các phường. Việc đến tận cơ sở thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tiết kiệm thời gian đi lại và quan trọng nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo được hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Không chỉ tăng cường lực lượng đi tới các địa bàn tập trung dân cư, các cán bộ chiến sĩ công an còn phải tạm gác lại công việc gia đình, thường xuyên tăng ca, làm việc liên tục đến tận 1, 2h sáng để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như đảm bảo tiến độ công việc, chỉ tiêu được giao. Thượng úy Nguyễn Đỗ Hà Linh, Công an phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm), cho biết: Thực hiện kế hoạch của Công an Thành phố về việc cấp căn cước công dân gắn chíp cho cư dân khu vực Hà Nội nói chung và trên địa bàn phường Mễ Trì nói riêng, tính từ 1/3 đến nay, mỗi ngày tại điểm cấp căn cước lưu động (Tổ dân phố số 1) phường Mễ Trì đều có rất đông người đến làm thủ tục. Trung bình, mỗi ngày cán bộ chiến sĩ tại đây làm 3 ca tiếp nhận và xử lí trên 300 trường hợp, thời gian làm việc từ 7h30 - 23h30. Có những hôm người dân tới làm thủ tục đông các cán bộ chiến sĩ phải ở lại tới 2-3h sáng để chốt số liệu. Hiện tại quận Nam Từ Liêm đã thu nhận được khoảng 28.310 bộ hồ sơ chuyển lên Cục in ấn, trả tới tay công dân khoảng 3.900 căn cước công dân gắn chíp.

“Với 1 kíp làm việc, các cán bộ chiến sĩ công an phải làm việc liên tục 12 tiếng. Điều này ảnh hưởng khá nhiều tới cá nhân mỗi chiến sĩ, đặc biệt là các nữ chiến sĩ, bởi vì hầu hết chiến sĩ trong quận đều còn trẻ, nhiều người vừa lập gia đình và có con nhỏ, mỗi lần đi làm việc đều phải gửi con cho bố mẹ, người thân trông nom. Vừa rồi ngày 8/3 các nữ chiến sĩ cũng không được đón ngày lễ trọn vẹn bên gia đình, vẫn phải làm việc tới 12h đêm như bình thường” – Thượng úy Linh chia sẻ.

Nỗi vất vả lại càng tăng thêm khi số lượng người tới làm thủ tục quá đông khiến thời gian chờ đợi cũng trở nên dài hơn, nhiều người dân không giữ được bình tĩnh đã có những lời nói, thái độ không hay gây áp lực cho cán bộ chiến sĩ. Cùng với đó, việc máy móc gặp trục trặc hỏng hóc trong quá trình làm việc hay người dân không mang đầy đủ giấy tờ, giấy khai sinh bị khuyết thiếu ngày tháng… cũng khiến cho các chiến sĩ gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ, các cán bộ chiến sĩ đều cố gắng giữ thái độ làm việc chuyên nghiệp, thân thiện nhất, từ đó nhận được những phản hồi tích cực, góp phần gây dựng hình ảnh đẹp vì nhân dân phục vụ./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này