Để “ngáo đá” không còn đất sống: Cần có chế tài mạnh

10:53 | 23/03/2021
(LĐTĐ) Từ lâu “ngáo đá”- bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp, đã trở thành cụm từ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân. Đáng nói, tình trạng người trẻ “ngáo đá” gây ra những vụ án mạng nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn cả phần gốc, lẫn phần ngọn, nhưng cái khó để xử lý triệt để là chế tài xử phạt phần ngọn (người sử dụng) chưa đủ mạnh. Bởi thế dẫn đến tình trạng, “ngáo đá” vẫn không hết!
“Ngáo đá”: Nguy hiểm khôn lường “Ngáo đá” phạm tội: Xử như thường

Ám ảnh kinh hoàng

Ma túy là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh tội phạm khác. Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra không ít vụ án do người sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác gây ra. Trường hợp của Đỗ Văn Đức Thuận (sinh năm 1988, trú tại bản Tân Lập, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) là một ví dụ. Ngày 18/3, do mâu thuẫn cá nhân, Thuận đã dùng dao chém nhiều nhát vào bố đẻ của mình là ông Đỗ Duy Hiển (sinh năm 1956) rồi bỏ trốn. Khi thực hiện hành vi này Thuận có nhiều biểu hiện “ngáo đá”. Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã báo cho cơ quan chức năng và đưa ông Hiển đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo trong tình trạng bị thương nặng.

Lại những nỗi đau từ hệ lụy “ngáo đá”!
Lực lượng công an trấn áp một đối tượng ngáo đá.

Trước đó không lâu, ngày 8/3, lực lượng công an của thành phố Hải Dương phải rất nỗ lực mới có thể khống chế Lê Trung Hiếu (33 tuổi, trú tại ngõ 29, phố Ngân Sơn, thành phố Hải Dương), khi đối tượng này vác kiếm dài vừa chửi bới, vừa liên tục chém vào những chiếc ô tô trên đường. Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng đã sử dụng ma túy tổng hợp và có dấu hiệu bị “ngáo đá”. Rất may, Lê Trung Hiếu chỉ chém vào tường nhà dân và ô tô chứ không nhằm vào người vô tội. Thế nhưng, hành vi của Hiếu cũng khiến cho không ít người dân khiếp sợ.

Không chỉ lên cơn rồi đánh người, hủy hoại tài sản, nhiều đối tượng “ngáo đá” còn gây ra những vụ án mạng đau xót, ví như vụ của đối tượng Phan Thanh Minh (33 tuổi, trú tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh). Hồi giữa tháng 2/2021, trong cơn “ngáo đá”, Minh đã ra tay hạ sát dã man 2 bạn nhậu, trong đó có anh trai ruột. Tại cơ quan điều tra, Minh khai, khoảng 23h đêm giao thừa, Minh ngồi nhậu cùng anh Phan Tấn Hồng (anh ruột Minh), anh Nguyễn Thanh Hưng và một người đàn ông tên Nam. Trong lúc ăn nhậu, Nam cãi nhau với anh Hưng và Minh nên bỏ về trước. Bàn nhậu còn lại anh Hồng, anh Hưng và Minh. Trong khi ngồi ăn nhậu, Minh lên cơn “ngáo đá” (do trước đó đã sử dụng ma túy tổng hợp), nhầm tưởng anh Hồng, anh Hưng là nhóm người từng có mâu thuẫn với mình nên Minh đấm đá túi bụi 2 anh này. Khi anh Hồng, anh Hưng chạy ra ngoài đường, Minh lấy một cục đá gói vào trong áo khoác rồi đập liên tiếp vào phần đầu của nạn nhân cho đến khi cả hai nằm gục xuống thì Minh bỏ vào trong nhà nằm ngủ. Do bị đa chấn thương nặng nên anh Hưng và anh Hồng tử vong tại chỗ.

Những vụ việc trên chỉ là một trong hàng trăm vụ “ngáo đá” mất kiểm soát gây ra án mạng nghiêm trọng. Ngoài gây án giết người, các đối tượng này còn có các hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… Còn theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, phần lớn học viên được đưa vào cơ sở cai nghiện là người sử dụng và nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp (khoảng 95%), thường có biểu hiện rối loạn tâm thần như: Ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi. Việc người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần như “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ án giết người đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Đồng bộ các giải pháp

Ngày nay, số vụ án do người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo đá” gây ra ngày càng tăng. Điểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước. Thế nhưng, vấn đề lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn. Để đưa 1 người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua 6 bước và 4 cơ quan để tiến hành việc này. Nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác thì rất khó thực hiện.

Theo luật sư Nguyễn Thị Phương Loan (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện nay độ tuổi người dùng ma túy đang trẻ hóa, trong khi đó việc quản lý, cảm hóa người nghiện, người sau cai nghiện tại cộng đồng không đạt hiệu quả như mong muốn. Người nghiện chỉ bị xử lý hình sự khi có những hành vi phạm tội như những đối tượng hình sự khác, còn những hành vi lặp đi lặp lại ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội thì chỉ bị xử phạt hành chính, khiến cho tình hình quản lý nghiện ngày càng phức tạp. Nhiều trường hợp người nghiện chửi bới, tấn công lực lượng chức năng, phá hoại tài sản nhà nước nhưng lực lượng chức năng thiếu kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết vì xem người nghiện là… người bệnh. “Trước tình trạng “ngáo đá” phức tạp, cần thiết xem xét xử lý hình sự đối với một số hành vi của người nghiện kết hợp với các biện pháp hành chính, tâm lý, y tế… Ví dụ người nghiện đã được tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc mà trốn tránh không chấp hành hoặc chống lại người thi hành công vụ, gây rối an ninh trật tự, phá hoại tài sản… thì có thể xử lý hình sự” - luật sư Loan đề xuất.

Còn theo luật sư Bùi Gia Duy (Đoàn Luật sư Hà Nội), gây tội ác trong tình trạng “ngáo đá” có thể được xem là tình tiết tăng nặng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Người có hành vi trái pháp luật khi “ngáo đá” vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Đây không phải trường hợp bị tâm thần nên không thể hưởng tình tiết giảm nhẹ. Luật sư Duy cũng đề nghị: “Cần đưa những trường hợp phạm tội trong tình trạng loạn thần vì sử dụng ma túy, chất hướng thần vào luật và tăng mức phạt lên so với người bình tường để nâng tính răn đe...”.

Có thể thấy, để quản lý, ngăn ngừa các đối tượng “ngáo đá” phạm tội, thời gian qua lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành nhằm rà soát, lập danh sách các đối tượng nghiện ma túy. Tuy nhiên, để thật sự ngăn chặn được tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng và tăng mức xử phạt, giải pháp quan trọng không kém chính là sự chung tay của địa phương, cộng đồng, xã hội mà đặc biệt là gia đình người nghiện.

Cụ thể, chính quyền cơ sở cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện sau khi cai trở về hoặc đang điều trị tại các cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng dân cư để phòng ngừa các hành vi vi phạm. Thông báo các biểu hiện, hình thức của đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” để nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó có biện pháp chủ động phòng tránh. Người thân của người bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an và người thân trong gia đình để có biện pháp giúp đỡ cai nghiện, chữa bệnh cho đối tượng “ngáo đá”.../.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này