Xử lý nghiêm những video, clip xấu độc trên không gian mạng

Đừng để thế hệ trẻ bị đầu độc!

12:20 | 16/03/2021
(LĐTĐ) Trong kỷ nguyên số, không gian mạng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiện ích đối với mỗi người dân xét trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, theo thống kê, người dùng mạng xã hội xếp Top đầu thế giới. Bên cạnh những thông tin tốt, có tính chất giáo dục, thì cũng chính trên không gian mạng như kênh Youtube ngày càng xuất hiện nhiều những video, clip nhảm nhí, dung tục, phản cảm... làm ảnh hưởng rất lớn người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Kênh YouTube Thơ Nguyễn là ví dụ điển hình. Để thế hệ trẻ không bị đầu độc đã đến lúc chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa việc ngăn những tin, video, clip “rác” trên không gian mạng!
Hiểm họa từ các video, clip bạo lực trên mạng 6 nhóm hành vi bị cấm trên mạng từ hôm nay 1.1 Facebook mạnh tay với chiêu câu view của các trang fanpage

Nhiều thông tin giật gân, câu view

Thời gian qua, tình trạng người sử dụng mạng xã hội tự sản xuất các video, clip để đăng tải trên trang cá nhân nhằm câu view (lượt xem), like (yêu thích), từ đó thu về các khoản lợi nhuận từ quảng cáo đang trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi như: YouTube, Facebook, Twitter,...

Một số người còn xác định đây là công việc kiếm sống chính của bản thân. Tuy nhiên bên cạnh các video, clip được đầu tư công phu, chứa đựng nội dung lành mạnh, bổ ích lại đang xuất hiện ngày càng nhiều video, clip mang nội dung xấu độc, nhảm nhí, giật gân, chủ yếu để câu view, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như mới đây, Thơ Nguyễn (chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn) đăng tải 2 clip đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các phụ huynh vì chứa nội dung phản giáo dục, ảnh hưởng xấu tới nhận thức của trẻ em.

Đừng để thế hệ trẻ bị đầu độc!
Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như người sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: M.Phương)

Cụ thể, vào các ngày 25/2 và 27/2, chủ tài khoản Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê ma (Kumanthong) lên mạng xã hội TikTok. Đáng chú ý, ở clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết đã thực hiện clip dùng búp bê để “xin vía học giỏi” do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ”. Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và bị cộng đồng mạng lên án dữ dội.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các phụ huynh và cộng đồng mạng, Thơ Nguyễn đã lên tiếng giải thích trên trang Facebook cá nhân rằng, TikTok chỉ cho nội dung 60s nên buộc phải chia thành 2 clip; trong clip 1 cô đã chú thích rõ là mình không nuôi và phải siêng học mới học giỏi. Nếu ai chưa xem đầy đủ thì không thể đưa ra kết luận. Những lời giải thích của Thơ Nguyễn không làm cho cơn giận của cộng đồng lắng xuống. YouTuber này tiếp tục nhận mưa “gạch đá”. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu TikTok và YouTube gỡ bỏ các clip nói trên.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Dù Thơ Nguyễn đã đính chính búp bê được sử dụng không phải Kumanthong và khẳng định cách duy nhất để học giỏi là “phải siêng học mới giỏi” thì việc quay clip của YouTuber này vẫn được cho là hành động mê tín dị đoan. Đây là hành vi không phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may”.

Đối chiếu các quy định của pháp luật, luật sư Dũng cho biết, hành vi của YouTuber Thơ Nguyễn vi phạm quy định về trang thông tin điện tử và có thể bị xử phạt theo Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, Điểm b, Khoản 2, Điều 99 quy định tổ chức có hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng.

Đây là mức phạt dành cho tổ chức vi phạm. Khoản 3, Điều 4 Nghị định này quy định mức xử phạt dành cho cá nhân bằng một nửa của tổ chức có hành vi vi phạm. Do đó, mức xử phạt có thể áp dụng đối với Thơ Nguyễn (nếu vi phạm) là 5-10 triệu đồng. Ngoài ra, YouTuber này sẽ phải gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.

Cùng bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Nga (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá hành vi của Thơ Nguyễn không chỉ vi phạm quy định về sử dụng trang thông tin mà đã vi phạm về truyền đưa, cung cấp thông tin nói chung. Video của YouTuber này có dấu hiệu truyền đưa, cung cấp thông tin mê tín dị đoan và cần xử lý theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điểm b, Khoản 4, Điều 102 Nghị định này quy định hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt 30-50 triệu đồng.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Khảo sát trên mạng xã hội rất dễ tìm thấy những video mang nội dung độc hại, nhảm nhí tương tự như của Thơ Nguyễn. Hiện nay, những clip có nội dung như Heo Peppa Pig thử thách treo cổ, cầm dao hoặc Spiderman & Elsa có những hành động phản cảm, tự tử theo Momo,... rất nhiều trên YouTube, trẻ dễ dàng tìm kiếm. Những nội dung độc hại này đều lựa chọn các nhân vật hoạt hình được nhiều em nhỏ yêu mến.

Thoạt nhìn, phụ huynh sẽ nghĩ rằng con mình đang xem hoạt hình, nhưng thực chất những clip mang nội dung độc hại như bạo lực, nhạy cảm, chửi tục,… trẻ dễ làm theo dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí là tự tử. Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các em không thể phân biệt được clip đó mang tính giáo dục hay không giáo dục. Các em xem vì thích những thứ màu mè, mới lạ, mang hình tượng mình yêu quý như công chúa, siêu nhân, anh hùng,…

Ðiều đáng nói, các video có nội dung lố lăng, phản cảm như vậy, đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số vì chủ nhân của những tài khoản này thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình “xé rào” quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem. Bởi nếu thu hút được càng nhiều người quan tâm họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền từ quảng cáo.

Đừng để thế hệ trẻ bị đầu độc!
Ảnh minh họa

Theo quy định của YouTube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng. Qua tìm hiểu kênh YouTube của Thơ Nguyễn, để thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của người xem, Thơ Nguyễn thường xuyên đưa lên tài khoản YouTube của mình nhiều video. Kênh YouTube của Thơ Nguyễn có tới gần 8,8 triệu lượt theo dõi với hàng trăm video được đăng tải.

Mới đây, trả lời báo chí, đại diện Chi cục Thuế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương (nơi Thơ Nguyễn sinh sống) cho biết, kết quả rà soát cho thấy chủ nhân của kênh YouTube và Tiktok “Thơ Nguyễn” đã có kê khai, nộp thuế trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2019, Thơ Nguyễn đã nộp khoảng 1,4 tỷ đồng; năm 2020 đã nộp hơn 300 triệu đồng.

Trong hai tháng đầu năm 2021, chủ nhân của kênh này đã kê khai và nộp trên 200 triệu đồng. Ðiều này phần nào lý giải dù bị cộng đồng phản ứng dữ dội, bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt, nhiều chủ kênh vẫn tiếp tục sản xuất, công bố các video, clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy,…

Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như người sử dụng mạng xã hội. Theo số liệu YouTube cung cấp, Việt Nam là một trong những quốc gia phát tán nhiều nội dung xấu độc hơn so với các thị trường khác.

Thời gian qua, theo yêu cầu của Việt Nam, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook,… đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Mặc dù vậy, số video, clip có nội dung phản cảm, nhảm nhí vẫn tiếp tục gia tăng. Ðiều này cho thấy chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cũng như các chế tài đủ mạnh khiến những nhà sản xuất video, clip xấu độc trên nền tảng số phải biết “chùn tay”, e ngại.

Ðối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng, việc bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng không phải là mối bận tâm lớn khi mà thực tế họ có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng từ tiền quảng cáo. Một số chủ tài khoản sẵn sàng chịu án phạt để rồi tiếp tục đưa các nội dung thiếu lành mạnh lên mạng nhằm trục lợi.

Ở góc độ xử lý hình sự, thì hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 1-3 năm (điểm e, Khoản 2, Ðiều 156, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017). Tuy nhiên, nhiều tài khoản trên mạng xã hội hiện nay là khai báo giả mạo, vì thế việc truy tìm đối tượng phạm tội cũng đặt ra không ít khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Thực trạng trên đang đòi hỏi cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội và các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các nội dung xấu độc trên không gian mạng, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Hãy trở thành cư dân mạng thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích, đồng thời kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại.

Sở dĩ video nhảm nhí vẫn tồn tại, có đất sống trên mạng xã hội và mang về tiền bạc cho chủ kênh bởi còn có nhiều cư dân mạng vô tình hoặc cố ý tiếp tay bằng cách nhấn like, nhấn nút theo dõi. Một trong những cách làm đơn giản hiệu quả nhất của người xem trên mạng là khi thấy một nội dung xấu độc hãy bấm nút report (nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube). Nếu nhiều người cùng bấm nút report, kiên quyết không theo dõi trang vẫn thường xuyên chia sẻ nội dung thiếu lành mạnh, sẽ tạo ra làn sóng phản đối và chắc chắn các nội dung đó sẽ sớm biến mất.

Đừng để thế hệ trẻ bị đầu độc!
Thơ Nguyễn trong clip dùng búp bê Kumanthong để “xin vía học giỏi” cho các em nhỏ, đăng tải trên TikTok. (Ảnh: H.P)

Sử dụng sức mạnh cộng đồng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để loại bỏ khỏi môi trường mạng những video, tài khoản mạng sản xuất, lan truyền thông tin, nội dung nhảm nhí độc hại. Ðồng thời cũng là sự trả lời, cảnh cáo đích đáng tới các cá nhân cố tình trục lợi, kiếm tiền bất chính bằng việc sản xuất, chia sẻ các nội dung phản văn hóa, phản giáo dục, đi ngược các giá trị tốt đẹp của cộng đồng, xã hội.

Ðã đến lúc những người tham gia mạng xã hội với trách nhiệm công dân và xã hội của mình cần đánh giá nghiêm túc, khách quan, sâu rộng về tác hại của các nội dung nhảm nhí từ các video trên mạng ảnh hưởng đến văn hóa sống, thói quen, tư duy, đạo đức cũng như sự an toàn, trật tự xã hội.

Sẽ ra sao nếu môi trường mạng ngập tràn những nội dung tiêu cực, vô bổ, phản cảm? Sẽ ra sao nếu các nội dung được xem là độc hại vẫn có thể đem lại tiền bạc cho người đã sản xuất và công bố? Nếu không giải quyết triệt để, nhiều người, nhất là giới trẻ, sẽ nhìn vào đó ngỡ rằng đó là cách thức để tìm kiếm sự nổi tiếng, và kiếm tiền làm giàu. Nếu không ngăn chặn, nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ bị tác động, bị làm cho méo mó, sai lệch, vô cùng nguy hại.

Phải bảo vệ trẻ em trước những thông tin độc hại

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thu Hương (Viện Thanh thiếu niên) cho biết, hầu hết nền tảng mạng xã hội đều được cung cấp bởi các hãng phương Tây. Cách tiếp cận của họ là tự do thông tin, người sử dụng phải tự bảo vệ mình.

Ngày 6/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy việc kiểm soát chặn các nội dung xấu độc trên mạng xã hội đã được các cơ quan hành động mạnh mẽ, quyết liệt.

Nhưng nhiều phụ huynh ở nước ta luôn nghĩ rằng sẽ có ai đó bảo vệ, chọn lọc thông tin cho con em, dẫn đến không kiểm soát được nội dung trẻ tiếp cận. Vì vậy, chính cha mẹ, nhà trường cần quan tâm, giám sát trẻ nhiều hơn khi các em sử dụng các nền tảng, đừng chủ quan nghĩ có cơ quan nào kiểm duyệt được tất cả những nội dung.

Không thể phủ nhận là ngày nay mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa quan trọng giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với thông tin, tri thức và trao đổi, tham khảo, giao lưu,… từ đó mang lại rất nhiều ích lợi cho cuộc sống.

Nhưng việc quản lý cũng như tiếp nhận thông tin trên mạng như thế nào đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước và mỗi người dân. Do đó, để loại bỏ một cách hiệu quả các thông tin, nội dung xấu độc, gây hại trên mạng xã hội rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn của toàn xã hội.

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể góp phần xây dựng và bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, thiết thực bảo vệ và ngăn chặn những nguy cơ đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những đối tượng dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng từ những nội dung độc hại. Hành động quyết liệt để loại bỏ nội dung tiêu cực trên các nền tảng mạng chính là để bảo vệ giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước./.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này