Người “giữ hồn” khèn bè ở Mường Lát

09:14 | 02/03/2021
(LĐTĐ) Ông Hà Văn Tình, 58 tuổi (ở bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) là nghệ nhân cuối cùng ở huyện biên giới nơi đây biết chế tác và thổi khèn bè thành thạo. Để lưu giữ thứ thanh âm độc đáo của tiếng khèn, ông dành cả cuộc đời của mình gắn bó, từ bỏ điều kiện sống sung túc để vào rừng ở.
Nghệ nhân giữ hồn quê qua những chiếc nón lá “Giữ hồn” cho nghề làm nón lá làng Chuông

Giữ gìn văn hóa dân tộc

Đối với người Thái, khèn bè là nhạc cụ kết nối tình yêu, là linh hồn trong dân ca, dân vũ và là biểu tượng văn hóa tinh thần đặc sắc. Tiếng khèn cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây. Nhìn chiếc khèn bè với cấu trúc đơn sơ, nhưng khi các nghệ nhân cất lên nhịp điệu thì vô cùng trong trẻo, mê đắm lòng người.

Người “giữ hồn” khèn bè ở Mường Lát
Ông Tình là người duy nhất còn làm Khèn bè ở huyện biên giới Mường Lát (Ảnh: Hoàng Đông)

Khác với những nhạc cụ truyền thống khác, khèn bè chỉ sử dụng trong các sự kiện vui vẻ như đám cưới, lễ hội, ngày Tết, làm vía..., không sử dụng trong đám tang ma. Điều đặc biệt là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi mà các nghệ nhân gọi là "pò mè" - tức là bố mẹ. Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Sinh ra, lớn lên ở bản người Thái ở vùng xa nhất tỉnh Thanh Hóa, ông Hà Văn Tình biết thổi khèn từ khi còn là thiếu niên. Ông gắn bó và coi cây khèn như chính người thân ruột thịt của mình. Cũng chính vì yêu thích tiếng khèn, muốn lưu giữ lại “cái hồn” của tiếng khèn, ông bắt đầu nghiên cứu, phục chế khèn. Hai mươi năm trước, ông lên Sơn La, tìm tới nhà một người nghệ nhân nổi tiếng để mua một cây khèn chuẩn, mang về nhà tháo ra, tìm cách chế tác lại. Từ đó, ông chọn cho mình cuộc sống song hành cùng chiếc khèn, với tiếng khèn vang vọng hàng ngày.

Do cần không gian tĩnh lặng, vắng người để làm khèn, ông bàn với vợ chuyển nhà vào rừng, chọn khu đất ven chân núi để sinh sống nốt phần đời còn lại, thỏa thú vui làm khèn. Vợ ông, người phụ nữ đã từng mê đắm ông vì tiếng khèn, nay vẫn yêu thứ thanh âm ngọt ngào ấy đã không ngần ngại nhận lời. Vậy là, vợ chồng ông quyết định dời ngôi nhà ở trung tâm xã vào trong khu đất ven chân núi không tên, thuộc bản Bàn, giáp biên giới Việt - Lào dựng nhà, cũng là để ông thuận tiện hơn trong việc vào rừng tìm nguyên liệu làm khèn.

Ông Tình chia sẻ: “Tiếng khèn vui nhộn, hân hoan bao nhiêu thì lúc làm khèn lại cần yên tĩnh bấy nhiêu. Đây là nhạc cụ độc đáo, có giá trị thiêng liêng với đời sống văn hóa đồng bào Thái nhưng gần đây đã bị mai một. Vì thế, tôi muốn phục chế và chế tác thật nhiều chiếc cho con cháu đời sau, vừa là nuôi dưỡng đam mê của mình, vừa là gìn giữ văn hóa dân tộc, giới thiệu tới đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước”.

Những sản phẩm độc đáo

Ông Tình chia sẻ, để làm 1 cái khèn bè, các công đoạn làm khèn rất cầu kỳ, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian mới hoàn thành.Khèn được làm bằng cây nứa tép (còn gọi là cây Mạy Pao), có thân gần giống cây nứa song nhỏ và ống dài hơn. Loại cây này chỉ mọc ở những triền đồi cao vùng biên giới giáp Lào hoặc các cánh rừng xa nên mất nhiều công sức tìm kiếm.

Cứ khoảng 5 ngày vợ chồng ông lại cùng nhau vào các cánh rừng cách nhà từ 5 đến 7km tìm và lựa chọn nứa tép. Mỗi lần đi, ông thường kiếm vài trăm cây, đem về dùng trong nhiều tháng. Khi nào hết, ông lại vào rừng tìm chặt tiếp. Cây được chọn phải là cây bánh tẻ, nhỏ, mỏng về phơi nắng từ 15 đến 20 ngày.

Khi chọn được nguyên liệu, ông Tình dùng một que sắt dài, nhọn đầu để xuyên thủng những chiếc mắt trong thân cây. Những cây bị cong, ông phải hơ lửa rồi cho vào chiếc khuôn uốn ép sao cho vừa ý. Sau khi uốn thẳng, ông cẩn thận luồn từng ống khèn vào Pố khèn sao cho đủ mỗi bên 7 ống. Pố khèn làm bằng gỗ xoan, một đầu Pố khoan lỗ làm ống thổi thông với các ống nứa. Khi thổi, âm thanh, thanh điệu còn được điều chỉnh bằng các lỗ trên ống nứa.

Mỗi cây khèn được ghép bằng 14 đoạn nứa tép, mỗi đoạn dài từ 50 đến 60 cm, xếp thành 7 cặp song song nhau. Trên mỗi ống nứa được đục 1 lỗ nhỏ, lắp lưới gà thường làm bằng đồng dàn mỏng. Theo ông, lưỡi đồng là bộ phận quan trọng không thể thiếu của cây khèn. Khi hơi thổi vào tạo ra áp lực, lá đồng sẽ rung lên và đóng mở theo nội dung của bài khèn nghệ nhân đang thổi. Các lá đồng đều do chính ông Tình làm thủ công. Đồng được chọn là loại nguyên chất, không bị gỉ sét theo thời gian.

Khi hoàn thành, chiếc khèn đạt tiêu chuẩn phải có âm sắc giòn, mảnh. Trung bình, nghệ nhân Hà Văn Tình thường mất một tuần để hoàn thiện một cây khèn. Có cái ông để dùng, còn phần nhiều đem tặng hoặc bán cho những người có cùng đam mê. Cây khèn đắt nhất ông Tình đã từng bán được 12 triệu đồng./.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này