Cỗ chay được nhiều gia đình lựa chọn để cúng Rằm tháng Giêng

15:57 | 26/02/2021
(LĐTĐ) Với tâm niệm ăn chay, không sát sinh để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc, bình an, những năm gần đây, nhiều gia đình Việt có xu hướng chọn cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng thay cho mâm cỗ mặn truyền thống.
Bánh bao độc lạ được “săn lùng” dịp Rằm tháng Giêng Rằm tháng Giêng, đền chùa đóng cửa, người dân đứng ngoài vái vọng

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên là ngày lễ quan trọng trong văn hóa, tâm linh người Việt. Dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Với ý nghĩa đó, ngày này nhiều gia đình thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn dâng lên tổ tiên, ông bà để cầu mong một năm sung túc, bình an.

Trước đây, nếu người dân thường lựa chọn mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng thì ngày nay, nhiều gia đình đang chuyển sang xu hướng ưa chuộng những món ăn có nguồn gốc thực vật.

Cỗ chay được nhiều gia đình lựa chọn để cúng Rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay được nhiều người lựa chọn trong dịp Rằm tháng Giêng.

Với tâm niệm không sát sinh để giảm nghiệp, thanh tịnh cơ thể và cầu mong bình an, mâm cỗ chay trở thành sự ưu tiên của nhiều người, đặc biệt là các gia đình hướng Phật.

Theo chị Trần Thị Thu Trang (Khâm Thiên, Đống Đa), 2 năm gần đây chị đã chuyển hẳn sang làm cỗ chay để cúng lễ, đặc biệt là dịp Rằm tháng Giêng. Việc thay đổi từ cỗ mặn sang cỗ chay cũng được gia đình, người thân chị Trang ủng hộ. Thậm chí, khi đăng hình mâm cỗ nhà mình lên trang Facebook cá nhân còn có khá nhiều người ngỏ ý đặt hàng hay thuê chị làm giúp vì các món ăn vừa đẹp mắt lại ý nghĩa. Thế nhưng, chị Trang buộc phải từ chối vì hiện nay chị đang làm trong ngành thẩm mỹ, làm đẹp nên chưa sắp xếp được thời gian.

Cỗ chay được nhiều gia đình lựa chọn để cúng Rằm tháng Giêng
Các món ăn được chính tay chị Trang làm và bày biện đẹp mắt

“Từ ngày bố mẹ chồng tôi mất, tôi chuyển hẳn sang làm cỗ chay, thậm chí, trong mâm cỗ của tôi cũng không xuất hiện hình thù các con vật. Bởi vì, thầy dạy tôi cần biết sống hướng thiện, sẻ chia với người khác, không sát sinh… để hồi hướng cho bản thân, gia đình cũng như những người thân đã mất”- chị Trang tâm sự.

Theo đó, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng nhà chị Trang năm nay gồm 7 món, tất cả đều được làm từ rau, củ, quả, các loại bột, hạt, nấm ví dụ như: Xôi ngũ sắc, canh ngó sen củ quả, bánh bao đào tiên… Để có một mâm cỗ thịnh soạn, đa dạng màu sắc, chị đã bắt tay chuẩn bị từ 7h và làm tới 11h trưa thì hoàn thành.

Cỗ chay được nhiều gia đình lựa chọn để cúng Rằm tháng Giêng
Nguyên liệu của các món chay chủ yếu là rau, củ, các loại hạt.

Không có đủ thời gian và khéo tay như chị Trang, ngày Rằm tháng Giêng, nhiều bà nội trợ đã lựa chọn đặt các món chay về nhà để cúng lễ.

Chị Nguyễn Hồng Anh, chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn chay ở phố Tô Hiệu, Cầu Giấy cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cửa hàng chị vẫn nhận được nhiều đơn hàng đặt các sản phẩm chay để phục vụ người tiêu dùng cúng Rằm tháng Giêng.

Tuy là đồ chay nhưng thực đơn các món rất đa dạng, phong phú để cho các gia đình thoải mái lựa chọn khi làm mâm cúng. Giá cả của các mâm cỗ chay cũng khá hợp lý, một mâm từ 5-7 món sẽ có giá giao động từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Khách hàng cũng có thể lựa chọn các món rời với giá với giá từ 50.000 – 200.000 đồng tùy món để sắp thành mâm.

Cỗ chay được nhiều gia đình lựa chọn để cúng Rằm tháng Giêng
Giá cả của một mâm cỗ chay khá hợp lý.

Còn theo bà Đào Ngọc Ánh, người hay lên chùa để giúp nấu cỗ cho biết, để nấu một mâm cỗ chay không quá khó, người tiêu dùng mua giò chả, bánh chưng chay, gà chay thì chỉ cần xào thêm rau, nấu thêm canh nữa là có thể dễ dàng hoàn thành mâm cỗ chay.

“Điều quan trọng là người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm, bởi vì nguyên liệu ngon quyết định thành công của mâm cỗ chay” – bà Ánh chia sẻ.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này