Huyện Thanh Oai: Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới

12:37 | 13/02/2021
(LĐTĐ) Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Oai đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp mang lại giá trị cao hơn hẳn so với trồng lúa truyền thống. Những mô hình này cũng là động lực giúp huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xã Thanh Thùy: Phát triển nghề truyền thống để xây dựng quê hương Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai trao tặng quà Tết cho người lao động Khát vọng xây dựng đô thị sinh thái

Theo ông Đinh Trường Thọ, Thành Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, đến nay 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao; huyện cũng đã "cán đích" nông thôn mới. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của thành phố Hà Nội; sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, đóng góp cả vật chất, tinh thần của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

Chế biến các sản phẩm an toàn A-Z của hợp tác xã Hoàng Long
Chế biến các sản phẩm an toàn A-Z của hợp tác xã Hoàng Long

Trong những thành tích nổi bật, điểm đáng chú ý là huyện Thanh Oai đã triển khai nhiều giải pháp bài bản, hiệu quả giúp nâng cao giá trị các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.

Thống kê đến tháng 12/2020, huyện Thanh Oai đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hơn 1.333 ha (Gồm: Cây rau 178,16 ha; Cây ăn quả: 435,3 ha; Lúa cá: 126,8 ha; Nuôi trồng thủy sản 424,13 ha; Trang trại tổng hợp 116,5 ha; Chăn nuôi xa khu dân cư 52,95 ha). Việc sản xuất theo mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã đem lại giá trị cao hơn hẳn so với cấy lúa truyền thống. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế.

Trong chăn nuôi có mô hình hợp tác xã Hoàng Long nuôi 4.200 con lợn trong đó có 500 nái, 3.700 lợn thịt. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VIETGAP, sử dụng đàn nái sinh sản "Ông bà, bố mẹ" bằng giống Gen+ của Pháp là giống có năng suất và chất lượng cao và sử dụng thức ăn sinh học vào trong chăn nuôi, là cơ sở an toàn dịch bệnh và đã thực hiện thành công chuỗi thực phẩm an toàn A-Z; Thực hiện việc giết mổ theo công nghệ Châu Âu và sơ chế chế biến các sản phẩm an toàn. Năm 2020 đã xuất ra thị trường hàng ngàn tấn lợn hơi và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Hiện đơn vị này có 9 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao ở xã Mỹ Hưng
Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao ở xã Mỹ Hưng

Chuỗi sản xuất và tiêu thụ Trứng vịt Liên Châu với 43 hộ hàng ngày xuất bán từ 50.000-60.000 quả ra thị trường. Bên cạnh đó, còn có 1 mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng với số lượng 10.000 con sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP tại xã Hồng Dương hàng ngày xuất bán 80.000 quả trứng ra thị trường.

Trong trồng trọt, hợp tác xã Tam Hưng đã hình thành vùng sản xuất 2 vụ/năm lúa Bắc thơm số 7 với diện tích là 850 ha, lúa Nếp cái hoa vàng với diện tích là 250 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Bên cạnh đó là 53 ha lúa hữu cơ rất thành công với nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”, hàng năm xuất bán trên 1.500 tấn. Đơn vị này đã được thành phố Hà Nội công nhận 2 sản phẩm OCOP (Gạo nếp cái hoa vàng và Gạo Bắc thơm số 7) đạt 4 sao.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Hồng Dương và xã Dân Hòa do Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Hiệp Thành thực hiện, với diện tích 11,7 ha. Hợp tác xã Thanh Cao thực hiện được 17 ha trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VIETGAP. Tại xã Thanh Cao đã hình thành mô hình hoa lan nhân cấy mô với diện tích 4500m2 đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Mỹ Hưng cũng có mô hình trồng hoa Lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2500m2.

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao là động lực để huyện Thanh Oai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao là động lực để huyện Thanh Oai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao

Năm 2020 huyện Thanh Oai đã được thành phố Hà Nội công nhận thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong đó có 8 sản phẩm từ nông nghiệp và 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đến nay huyện đã có 31 sản phẩm được chứng nhận OCOP (30 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 3 sao).

Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã có đầu ra ổn định, bền vững. Trong đó, chuỗi gạo của hợp tác xã Tam Hưng và chuỗi thực phẩm an toàn của hợp tác xã Hoàng Long được đưa vào các trường mầm non và các cửa hàng tiện ích, các siêu thị, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Việc sản xuất các mô hình ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết gắn với nhãn hiệu sản phẩm được xác định là động lực để các xã, thị trấn và huyện Thanh Oai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong năm 2021, huyện Thanh Oai đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phấn đấu 2 xã (Cao Dương và Dân Hòa) "về đích" nông thôn mới nâng cao.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này