Tết của những chiến sĩ diệt "giặc lửa"

11:44 | 10/02/2021
(LĐTĐ) “Thú thực lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ em đã rất hoang mang, lo sợ, thế nhưng lúc trực tiếp cùng các anh lao mình vào biển lửa cứu người em hiểu ra rằng, mình thật sự yêu công việc vất vả, nhiều hiểm nguy này. Trở thành lính cứu hỏa là mơ ước và niềm tự hào của em” – một chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ.
Phim truyền hình về đề tài lính cứu hỏa lần đầu lên sóng VTV Lính cứu hoả khéo tay trổ tài gói bánh chưng Một ngày làm lính cứu hỏa

Tự hào là lính cứu hoả

Những ngày cuối năm, trong tiết trời đông lạnh giá, chúng tôi tìm tới Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm để gặp gỡ những người được mệnh danh là “khắc tinh” của bà hỏa.

Thật bất ngờ, phần lớn các chiến sĩ công tác tại đây có tuổi đời còn trẻ. Rất nhiều trong số họ là học sinh, sinh viên vừa rời ghế nhà trường nhưng với mong muốn cống hiến trong lực lượng Công an nhân dân nên đã đăng ký tham gia nghĩa vụ. Sau những tháng ngày huấn luyện trên thao trường, họ bước vào cuộc chiến thực sự đầy cam go, khốc liệt. Ở đó, họ phải đối diện với vất vả, hiểm nguy hằng ngày, đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tết của những chiến sĩ diệt "giặc lửa"
Các chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Quận Bắc Từ Liêm làm nhiệm vụ.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghiệp lính phòng cháy chữa cháy, Trung sĩ Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1996, là chiến sĩ nghĩa vụ) cho biết, từ bé anh đã mơ ước được mang trên mình màu xanh áo lính. Năm 2018, để thực hiện hoài bão của mình, anh tham gia đợt tuyển nghĩa vụ quân sự của Công an thành phố Hà Nội và được phân về Đội Phòng Cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm. Vốn dĩ việc trở thành lính cứu hỏa là điều nằm ngoài “dự tính” của Tiến, thế nhưng, sau những lần cùng đồng đội chiến đấu, Tiến lại tìm thấy niềm đam mê và tự hào với công việc của mình.

Theo Tiến, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với anh trong 2 năm làm lính cứu hỏa là lần đi chữa cháy cho một chiếc xe khách gặp tai nạn trên đường Vành Đai 3. Chiếc xe khách này trên đường lưu thông đã đâm phải đuôi của một chiếc container và bốc cháy. Lúc này trên xe còn rất nhiều hành khách, tài xế thì mắc kẹt trên vô lăng với đôi chân dập nát, tình thế vô cùng nguy hiểm. Vì là lần đầu tiên tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn nên anh lo lắng và sợ hãi lắm. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến các anh triển khai nhiệm vụ, tiến hành giải cứu hành khách và tài xế một cách nhanh chóng, khoa học, anh bỗng thấy lòng nhiệt huyết, yêu nghề và khát khao được cống hiến.

Cũng là lính nghĩa vụ tại Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm được 2 năm, Trung sĩ Hán Đức Hưng (sinh năm 1996, quê ở Phú Thọ) cho biết, anh đã yêu và mong muốn được trở thành lính cứu hỏa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh đã học Trung cấp Phòng cháy chữa cháy hệ dân sự rồi tham gia tuyển nghĩa vụ quân sự và trở thành lính cứu hỏa. Với anh lính cứu hỏa là những người chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng nhưng không có nghĩa là không phải đối mặt với hy sinh, hiểm nguy và vất vả.

Những cái Tết xa nhà

Ngoài vất vả, hiểm nguy trong công việc, lính cứu hỏa cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những ngành nghề khác khi thường xuyên phải làm việc và đón Tết xa gia đình. Trung sĩ Hán Đức Hưng cho hay, đối với các chiến sĩ nghĩa vụ như anh thì thời gian ở đơn vị gần như là 24/24 và kéo dài suốt cả năm.

Tết của những chiến sĩ diệt
Cứ gần đến Tết Nguyên đán, các cán bộ chiến sĩ của đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quận Bắc Từ Liêm lại cùng nhau trổ tài gói bánh chưng.

“Thú thực mỗi khi Tết đến em cũng có chút chạnh lòng, vì đây đã là năm thứ 3 em đón Tết xa nhà. Bố em là bộ đội, Tết nhất, lễ lạt thường không có nhà, bây giờ em cũng không về được nên em cảm thấy khá buồn và thương mẹ. Tết năm nào mẹ cũng chờ em đi trực về, gọi điện thoại chúc Tết rồi mẹ mới yên tâm đi ngủ. Không chỉ Tết mà mỗi lần vô tình biết em đi làm nhiệm vụ mẹ cũng đợi đến khi em xong việc trở về nhắn tin báo bình an”, Hưng chia sẻ.

Dù có chút buồn vì không thể về với gia đình trong những ngày Tết nhưng Hưng cho biết chưa từng cảm thấy thiếu sự ấm áp, bởi ở đơn vị các anh chị em đồng nghiệp đều rất yêu thương chia sẻ lẫn nhau. Đội Cảnh Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm chính là ngôi nhà thứ hai của Hưng và các đồng đội là những người Hưng xem như anh chị em ruột thịt của mình.

Gắn bó với nghiệp lính cứu hỏa suốt 30 năm và thường xuyên phải xa gia đình trong những ngày lễ Tết, Thượng Tá Đỗ Anh Quyến (Phó trưởng Công an Quận Bắc Từ Liêm) cho hay, anh hiểu rất rõ nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ. Vì vậy, dù bận rộn đến mấy anh cũng cố gắng tạo điều kiện để các anh em có được một cái Tết đầm ấm nhất.

“Do đặc thù nghề nghiệp nên các chiến sĩ trong đội đều phải trực 100% trong ngày 30 Tết, những ngày còn lại thì luân phiên trực 50/50, nên cứ cách 1 năm mọi người lại phải ăn Tết xa nhà 1 lần. Còn với các chiến sĩ nghĩa vụ thì gần như năm nào cũng phải ở lại trực Tết. Để các chiến sĩ không cảm thấy chạnh lòng, hằng năm chúng tôi đều tổ chức gói bánh chưng, luộc gà, làm mâm cơm tất niên và đợi anh em đi làm về thì cùng nhau phá cỗ đón giao thừa”, Đại tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ.

Cũng chính nhờ lòng yêu nghề, hy sinh tình cảm cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà những năm qua công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại quận Bắc Từ Liêm được nâng lên rõ rệt.

Trong năm 2020, trên toàn quận không xảy ra vụ cháy nổ lớn nào, đa số các đám cháy đều ở mức nhỏ (4 vụ cháy trung bình, 36 vụ cháy nhỏ), không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng được hạn chế tối đa. Điều đặc biệt, do được tuyên truyền và tập huấn thường xuyên nên hầu hết lực lượng trong tổ dân phố, dân phòng và người dân đều có kỹ năng chữa cháy, có thể tự mình dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn tại tại nhà dân. Nhờ đó, góp phần giữ vững sự ổn định và bình yên trên địa bàn quận.

Tết đang cận kề, công việc của người lính cứu hỏa cũng trở nên bộn bề và vất vả hơn, thế nhưng trong họ luôn sáng rực lên một tình yêu nghề cháy bỏng. Chính sự tự hào về nghề nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh để các chiến sĩ vững bước trên con đường mà mình đã chọn.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này