Hội Xuân Cúc Phương 2021:

Tái hiện nghi thức sinh động dựng cây Nêu của người Mường

21:55 | 31/01/2021
(LĐTĐ) Vào sáng 23 tháng Chạp tới (4/2/2021), trong khuôn khổ ngày “Nhóm Xuân” thuộc chuỗi hoạt động “Hội xuân Cúc Phương - Thêm xanh cho cánh rừng già”, lần đầu tiên Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ tái hiện nghi thức dựng cây nêu truyền thống của cộng đồng người Mường bản địa.
Cụm trò chơi dân gian độc đáo sắp hoàn thành kịp Hội xuân Cúc Phương 2021 Mê cung “Cúc Phương Kì Thú” - Điểm nhấn đặc biệt của Hội Xuân Cúc Phương 2021 Hội Xuân Cúc Phương - Thêm xanh cho cánh rừng già
Khẩn trương cho rừng vào Hội
Các hoạt động khẩn trương cho rừng vào Hội

Tại công trường đang hối hả thi công các hạng mục của chuỗi hoạt động, khoảng không gian chính giữa phía trước sân khấu có một chiếc cọc định vị. Đây chính là nơi trang trọng nhất dành để thực hiện nghi thức thiêng.

Trước đó, ekip thực hiện sự kiện đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phỏng vấn tại cộng đồng một cách nghiêm túc nhằm tôn trọng tối đa những nguyên tắc, cách thức chuẩn bị và thực hành di sản theo tập quán của bà con. Ban tổ chức Hội xuân đã chọn ông Đinh Xuân Minh (người Mường ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương) thực hiện nghi lễ quan trọng này.

Theo chia sẻ của ông Minh, ngoài việc phải xanh tốt; cành lá tự nhiên; thân cao và không bị “dị tật” suốt từ gốc lên ngọn thì cây nêu của người Mường ở khu vực Cúc Phương có những đặc điểm riêng.

“Ngọn nêu phải để lùm lá tự nhiên và dứt khoát không được trang trí bất cứ thứ gì trên đó. Phía dưới lùm nêu, chỉ được gắn một lá cờ nhỏ. Và đặc biệt, dù cây nêu cao đến mấy thì cũng không được gia cố thêm gì (như cọc phụ cột vào gốc) khi dựng và chôn gốc nêu. Sau nghi thức cúng theo tập quán, thầy cúng là người chỉ đạo việc dựng nêu. Giúp dựng nêu là các chàng trai Mường, gia đình không có bụi; nếu có vợ rồi thì phải có đầy đủ vợ chồng con cái”, ông Minh cho biết.

Phó trưởng Ban tổ chức Hội xuân, ông Vũ Văn Dũng (Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương) chỉ đạo trực tiếp giữa công trường. Ông phấn khởi cho biết, dù là lần đầu tiên tổ chức một chuỗi sự kiện nhưng Cúc Phương quyết tâm thực hiện tốt nhất, để mang tới cho khách du xuân những trải nghiệm khó quên. Riêng về nghi thức thiêng - dựng cây Nêu, Ban tổ chức tôn trọng tối đa cộng đồng từ cách thức chọn cây, chuẩn bị cây, đồ lễ và cả thời gian thực hiện. Chắc chắn tham gia chứng kiến nghi thức, du khách sẽ có một trải nghiệm khó quên.

Bập bênh khổng lồ
Bập bênh khổng lồ, một "sản phẩm" kỳ công của Ban Tổ chức và những bàn tay tình nguyện.

Bùi Văn Luân, chàng trai Mường đang khéo léo đan những phê lá bên mê cung “Cúc Phương kỳ thú” cho biết: “Chúng em đã tìm, chọn được cây làm cây nêu đúng như yêu cầu. Nhưng theo quy định, sát ngày Hội mới mang về. Thời gian cách thức chặt cây, đào hố chúng em còn phải làm theo lời dặn của thầy Minh…”.

Độ rừng vào Hội

Cây Nêu - một biểu tượng thiêng gắn với ngày Tết trong tâm thức của các sắc tộc nhóm ngôn ngữ Việt Mường. Gắn với nó, mỗi cộng đồng lại có quan niệm và cách thức thực hành khác nhau. Với sự bài bản như thế, trong lần đầu tái hiện này, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thể hiện sự nghiêm túc, khoa học trong chuẩn bị và tổ chức. Đó thực sự là những ứng xử văn hóa sâu sắc, tôn vinh một thành tố quan trọng làm nên giá trị của cánh rừng nguyên sinh này. Cộng đồng người Mường ở khu vực Cúc Phương và các di sản văn hóa của họ đã và đang thực sự được tôn trọng, đúng như lời ông Đinh Văn Bợ (một người dân ở thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương) chia sẻ: “Bà con chúng tôi vui mừng lắm. Mọi người đang háo hức đến ngày Vườn quốc gia mở hội để vui xuân…”.

Tết này về với Cúc Phương, trong hơi xuân sớm bảng lảng giữa đại ngàn, du khách sẽ được tham dự và chứng kiến một nghi thức thiêng như thế, cùng với cộng đồng người Mường bản địa. Hội xuân thêm xanh cho cánh rừng già sẽ kéo dài tới hết rằm tháng Giêng (26/2/2021) với nhiều sự kiện ấn tượng và mang thông điệp giáo dục sâu sắc.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này