Lương, thưởng là thước đo giá trị của doanh nghiệp

17:53 | 01/02/2021
(LĐTĐ) “Làm việc cả năm, ai cũng hy vọng cuối năm doanh nghiệp, đơn vị ghi nhận, đánh giá mình qua phần thưởng Tết xứng đáng. Nói đến thưởng Tết, năm nào cũng có người vui, người buồn, nhưng dù ít, dù nhiều, doanh nghiệp cũng nên xác định lương, thưởng không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là “lạt mềm” để giữ chân lao động ở lại, gắn bó với mình”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô như vậy khi mạn đàm về lương, thưởng Tết năm 2020.
Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng 3 Tập đoàn, Tổng công ty Cuối năm "ngóng" lương, thưởng Nắm chắc tình hình nợ lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp

PV: Thưa ông, năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, chưa nhắc đến thưởng Tết, nghe ngóng tình hình việc làm, đời sống của người lao động càng về cuối năm càng có phần trầm lắng?

Lương, thưởng là thước đo giá trị của doanh nghiệp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi có tham gia nắm tình hình qua một số doanh nghiệp, từ các báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn, nói thực năm nay, người lao động chỉ mong có và giữ được việc làm ổn định là mừng lắm rồi. Phải khẳng định ngay, trong bối cảnh dịch bệnh tác động trực tiếp đến toàn xã hội, nhất là một số lĩnh vực sản xuất ít có đơn hàng, nhiều nơi sản xuất ra lại không xuất bán được hàng, không tiêu thụ được sản phẩm thì hiện nay, việc làm đang là nhu cầu số một. Thậm chí, nhiều người lao động khi được hỏi, họ sẵn sàng không nhận thưởng Tết, chỉ mong có việc làm và được doanh nghiệp trả đủ lương là mong muốn lớn nhất của họ rồi.

Hơn nữa, việc làm sau Tết mới đáng lo ngại bởi sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đang lo sẽ không còn việc làm cho người lao động, vì không có thị trường. Do đó, việc làm vẫn đang là vấn đề số 1 của tất cả người lao động.

PV: Vâng, có thể nói, câu chuyện mất việc làm, làm việc không đủ thời gian, giảm lương, giảm thu nhập là câu chuyện hiện hữu của nhiều gia đình lao động từ nửa cuối năm 2020 đến nay. Vậy, theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để kích cầu thị trường lao động?

Ông Vũ Quang Thọ: Trong bối cảnh toàn thế giới bị tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giải quyết việc làm và tăng số việc làm hiện nay là bài toán rất khó. Do vậy, tôi cho rằng, giải pháp thứ nhất phải bắt đầu từ việc tăng sức mua thị trường, từ tăng thu nhập cho người dân. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần tạo ra cầu về hàng hóa đối với doanh nghiệp, từ đó có thể tăng thêm việc làm, tiền lương và thu nhập cho người lao động.

Giải pháp thứ hai là cần hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, trang bị kỹ thuật để tăng năng suất lao động, qua đó giúp giảm giá thành, hạ giá bán để kích cầu thị trường. Mặt mạnh của giải pháp này là sẽ tạo ra hiệu ứng giúp tăng cầu của thị trường với hàng hóa của doanh nghiệp, và khi đó thu nhập của người lao động tăng lên.

Nhưng mặt trái là khi doanh nghiệp hiện đại hóa dây chuyền, đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận lao động phải rời khỏi chuyền sản xuất, rơi vào thất nghiệp, thu nhập giảm sút. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội mà trước hết là tổ chức Công đoàn phải thấy và nghĩ đến.

Giải pháp thứ ba là cần cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để kích thích nhu cầu tiêu dùng, tăng thêm thị hiếu đối với hàng hóa, dịch vụ.

Tóm lại, muốn người lao động có việc làm tốt, thu nhập cao cần phải tăng năng suất lao động. Chỉ khi năng suất lao động tăng, mới có sản phẩm thặng dư, qua đó mới có lương, thu nhập cao hơn cho người lao động. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra thách thức về việc làm với một bộ phận lao động nếu không đáp ứng được tay nghề, trình độ. Đây là bài toán mà cả doanh nghiệp và người lao động đều phải đối mặt trong thời gian tới.

PV: Nhân nói về việc làm, như trên ông đã nói, đi liền với xu hướng hiện đại hóa, kỹ thuật công nghệ phát triển hay nói theo cách thông dụng hiện nay là để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm của một bộ phận người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông, chúng ta cần làm gì để chuẩn bị tâm thế cho người lao động?

Ông Vũ Quang Thọ: Người lao động muốn có việc làm tốt, việc làm bền vững, bên cạnh việc chủ động nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng, làm việc phải có ý thức trách nhiệm, đam mê, gắn bó với nghề nghiệp. Hiện nay, trong số 1,2 triệu lao động có quan hệ lao động, với tổng số 1,9 triệu lao động thuộc các thành phần khác nhau, về cơ bản chúng ta vẫn sử dụng lao động được đào tạo cách đây 10-15 năm; người lao động suy nghĩ về việc làm vẫn còn lạc hậu, cố gắng làm đủ quỹ thời gian, đủ định mức để nhận đủ lương… chứ chưa chủ động đề xuất ý tưởng mới, có sáng kiến với sản phẩm mà mình sản xuất. Đây là một điểm yếu trong công nhân lao động Việt Nam.

Lương, thưởng là thước đo giá trị của doanh nghiệp
Dây chuyền lắp ráp đèn Led Rạng Đông ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin Ảnh: Việt Hòa

Phần lớn người lao động vẫn chưa hiểu được những thách thức đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0, chưa ý thức sẽ có khả năng bị mất việc làm trong tương lai. Đây cũng là khâu yếu trong công tác tuyên truyền hiện nay.

Do vậy, theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nên biên soạn tài liệu dạng tờ rơi hoặc sổ tay ngắn gọn để phát tới người lao động, nêu rõ: Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? sẽ tác động đến việc làm của người lao động như thế nào? tác động trực tiếp và nặng nề nhất đến lĩnh vực nào? ngành nghề nào? khâu nào trong quá trình sản xuất?… để giúp người lao động chuẩn bị trước về tinh thần.

Bởi hiện nay khi khảo sát tại doanh nghiệp, nhiều người lao động vẫn chưa nắm được yêu cầu cần phải nâng cao tay nghề, thuần thục tay nghề; phải trau dồi kỹ năng, kỹ thuật để thích ứng với sự thay đổi… Tôi cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết, phải làm ngay để người lao động chủ động tâm thế đón nhận thách thức.

PV: Là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, theo ông, tổ chức Công đoàn có vai trò như thế nào, và cần làm gì để vừa đồng hành với doanh nghiệp, vừa bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động?

Ông Vũ Quang Thọ: Một trong những chức năng chính của tổ chức Công đoàn là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục. Trong bối cảnh trình độ người lao động không đồng đều ở trong cùng một đơn vị, doanh nghiệp nói riêng và vùng miền nói chung, nên nhận thức sẽ khác nhau và cách hành xử khác nhau. Thực tế, những người có trình độ, khả năng thích ứng nhanh, sẽ có việc làm tốt, việc làm bền vững, thu nhập cao; những người lao động trình độ thấp, chậm thay đổi, sẽ có thể bị đẩy ra ngoài guồng máy, hoặc có thể ở lại nhưng thu nhập thấp, và luôn tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp.

Phân tích như vậy để thấy rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh trong những người lao động, những người ở nhóm nguy cơ cao về mất việc làm, giảm thu nhập sẽ dễ nảy sinh tư tưởng tiêu cực, phản kháng, dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến biểu tình, phản đối doanh nghiệp, chính quyền…

Do vậy, hơn lúc nào hết, tổ chức Công đoàn cần tham gia mạnh mẽ vào công tác tuyên truyền để mọi người lao động hiểu rõ được thách thức, đồng thời vận động công nhân và người lao động chủ động nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Đồng thời, Công đoàn cần tham gia với chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng cho người lao động; tham gia sắp xếp lại lao động cho hợp lý để tránh những ảnh hưởng xấu phát sinh trong quan hệ lao động.

PV: Dù bức tranh lao động - việc làm năm nay có phần ảm đạm. Tuy nhiên, Tết đến, không thể không nhắc đến câu chuyện thưởng Tết. Ông có bình luận gì về tình hình thưởng Tết năm nay đã được các doanh nghiệp, đơn vị công bố?

Ông Vũ Quang Thọ: Nói đến thưởng Tết, đi làm 365 ngày, ai cũng hy vọng doanh nghiệp, đơn vị nhìn lại mình, có phần thưởng trao cho mình xứng đáng. Nói đến việc này, sẽ có người cười, người khóc, bởi có những người ở lĩnh vực sản xuất tốt sẽ được thưởng cao, nhưng cũng có nhiều người rơi vào lĩnh vực khó khăn, bị ảnh hưởng, lương có khi chưa được trả đủ, nói gì đến thưởng Tết. Tuy nhiên, có một nhận định mà ai cũng rõ, cũng hiểu là mặt bằng thưởng Tết năm nay không thể cao hơn năm ngoái.

Lương, thưởng là thước đo giá trị của doanh nghiệp
Người lao động miệt mài làm việc. Ảnh: Kim Tiến

Qua nắm bắt từ thực tế, số người được thưởng Tết thấp, thậm chí không có thưởng Tết chiếm khoảng 60-70%. Có khá nhiều doanh nghiệp cố gắng giữ mức thưởng Tết ở mức khiêm tốn để giữ chân người lao động để họ có tinh thần ở lại làm việc sau Tết. Có một số doanh nghiệp, đơn vị còn tích cực tìm cách vận động xã hội hóa lo Tết cho người lao động như lo vé xe miễn phí đưa người lao động về quê đón Tết - tôi cho rằng đây là những doanh nghiệp có đạo đức.

Nhìn chung, năm nay sản xuất kinh doanh và tiêu thụ của các doanh nghiệp là rất khó khăn. Tôi rất chia sẻ và thông cảm với doanh nghiệp, nhưng cũng không thể chấp nhận được việc doanh nghiệp xóa nhòa vai trò của công nhân lao động trong cả năm làm việc bằng việc không có thưởng Tết.

Cũng có nhiều doanh nghiệp chọn cách thưởng Tết bằng hiện vật, hàng hóa, nhưng không phải hàng hóa nào người lao động cũng có thể sử dụng được, và cũng không phải tất cả lao động đều thích thú với việc này, do đó, theo tôi doanh nghiệp nên hết sức cân nhắc.

Thưởng Tết không chỉ là việc ghi nhận đóng góp của người lao động với doanh nghiệp trong một năm mà còn có ý nghĩa quan trọng đưa đến quyết định: Người lao động có ở lại doanh nghiệp đó để tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp nữa hay không? Đi nhiều, nghe nhiều chuyện, chứng kiến tận mắt, tôi cảm thấy rất đau lòng vì nhiều công nhân lao động còn quá nghèo, họ làm việc cả năm vẫn chỉ trông vào tiền thưởng Tết để về quê lo nồi bánh chưng cho cọn, lo sắm cho con có tấm áo mới…

Vậy nên, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần cân nhắc, từ nguồn dự trữ, trích ra một phần để quan tâm, chăm lo cho người lao động dịp Tết, để họ thấy những đóng góp của mình trong một năm là không uổng phí, được ghi nhận và đền đáp, để người lao động đủ niềm tin quay trở lại làm việc, đồng hành với doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, tạo ra được sản phẩm và lợi nhuận. Sự giàu có của doanh nghiệp bắt đầu từ sự chí thú, gắn bó và làm việc năng suất của người lao động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Duy (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này