Nâng cao hơn nữa chất lượng sống của Nhân dân

17:43 | 31/01/2021
(LĐTĐ) Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Thủ đô Hà Nội. Thực tế những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai bài bản, hiệu quả và đạt được những kết quả khả quan. Trên nền tảng đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô”, là nhiệm vụ trọng tâm với những mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn.
Tăng chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững Thiết thực nâng cao chất lượng sống cho người lao động Kiên trì nâng cao chất lượng sống cho người dân Hà Nội

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI khẳng định một trong mười bốn dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Hà Nội cũng đã thực hiện hiệu quả chương trình sữa học đường lớn nhất cả nước về quy mô và giá trị.

Nâng cao hơn nữa chất lượng sống của Nhân dân
Khám sức khỏe cho công nhân lao động Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội . Ảnh: NC

Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009. Thành phố thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, nhờ vậy tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 2,21%.

Đáng chú ý, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời.

Ngoài ra còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội về phúc lợi xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90,1%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 37,5%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 32%. Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII được tổ chức thành công là khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Thủ đô. Phát huy kết quả đạt được, trên nền tảng những thành tựu ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật,... Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, với những mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn.

Nghị quyết Đại hội XVII đề ra mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3%... (Chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước là toàn thành phố còn dưới 1,2% hộ nghèo; tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn dưới 4%).

Tại cuộc họp báo sau Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, ngoài các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội, thành phố cũng đặt ra các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Như chỉ tiêu về tuổi thọ của người Hà Nội dù không đưa vào chỉ tiêu chính, nhưng đây là chỉ tiêu an sinh xã hội.

Theo điều tra dân số vào tháng 4/2019, tuổi thọ bình quân của người Hà Nội là 75,5 tuổi, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tuổi thọ bình quân người Hà Nội đạt 76 - 76,5 tuổi, để đạt được thì phải nâng cao chất lượng cuộc sống. "Về chăm sóc sức khỏe, có đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu ít nhất khám sức khỏe định kỳ cho công dân một lần. Chúng ta nói một cách đơn giản như vậy nhưng làm không dễ, thành phố Hà Nội rất quyết tâm về chỉ tiêu này", Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ.

Nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XVII vào cuộc sống, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa. Trong đó, Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” là một trong những chương trình công tác mới so với nhiệm kỳ trước.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, trong đó tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững... đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giảm nghèo.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế. "Nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô sẽ được thực thi theo hướng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng địa phương. Qua đó, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh, các dịch vụ trợ giúp xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của các sở, ngành Thành phố, ngay lúc này, mỗi địa phương trên địa bàn Thủ đô đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII đề ra. Với tinh thần quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ: “Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô” đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, tin tưởng rằng chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô sẽ ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Hoàng My

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này