Thú vui sắm Tết

08:20 | 06/02/2021
(LĐTĐ) Khi tờ báo Xuân Tân Sửu đến tay bạn đọc, cũng là thời điểm nhiều gia đình đang cố gắng hoàn tất những công việc của năm cũ còn tồn đọng để còn đi sắm Tết. Hai từ “sắm Tết” từ rất lâu đã như tín hiệu báo cho người người, nhà nhà biết rằng mùa Xuân sắp đến. Hay ngược lại, người ta đang háo hức chờ đợi một mùa Xuân tươi mới, mang theo nhiều điều mới mẻ đến với mỗi người, mỗi gia đình.
Đắn đo sắm Tết Sắm Tết cho ngày về

Nét đẹp văn hóa người Việt

Ngày Tết với mâm cao cỗ đầy có lẽ đã trở thành một thói quen, một truyền thống lâu đời trong tâm niệm của nhiều gia đình người Việt. Dân gian có câu: “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết” cũng thể hiện điều đó. Nhưng no đủ trong ba ngày Tết không chỉ đơn giản là ăn lấy no, lấy ngon mà sâu xa hơn còn mang ý nghĩa về sự hiếu nghĩa, thành kính dâng lên ông bà tổ tiên cùng với đó là mong ước về sự sung túc, may mắn cả năm của mọi người.

Thú vui sắm Tết
Người dân đi sắm đào Tết. Ảnh: CT

Phong tục mỗi vùng miền có khác nhau đôi chút, nhưng đều mang những đặc trưng chung của ngày Tết. Mâm ngũ quả là một trong những yếu tố không thể thiếu để trưng bày trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết của người Việt. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, có thể bài trí trên ban thờ thêm bánh trái, rượu mứt… Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu chiếc bánh chưng, bánh tét, với nguyên liệu chính là gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ. Thấy đào, thấy mai, thấy quất cũng là thấy Tết. Thời điểm này, tại các làng trồng hoa, người nông dân đang tất bật với những công đoạn chăm sóc cuối cùng để chuẩn bị trưng bán. Dọc các con phố chuyên bán cây cảnh, sắc hồng của cánh hoa đào, sắc vàng của cánh hoa mai và sắc xanh sum suê của những tán quất đang dần được bày bán để người dân tham quan, lựa chọn.

Thú vui sắm Tết

Đầu tiên của việc sắm Tết là phải sắm các nguyên liệu để gói bánh chưng, giò, chả… Chưa nhìn thấy nồi bánh chưng bốc khói là chưa thấy Tết. Ở thôn quê, những phiên chợ bán hàng Tết họp từ ngoài 20 tháng chạp trở đi. Khoảng 3, 4 giờ sáng, lúc ngọn cỏ còn ủ rũ trong sương đêm, các bà, các chị í ới gọi nhau trên đường đến chợ mỗi lúc gặp người quen, cái không khí ấy thật khác biệt với ngày thường, dường như nghĩ đến Tết con người ta cũng cảm thấy phấn chấn hơn. Dọc hai bên đường lối cổng vào chợ, những hàng lá dong, lá chuối, những ống giang hay bó lạt chẻ sẵn đã sắp đều tăm tắp, gọn gàng trên những thúng, những mẹt. Lúc không khí Xuân chớm về, nhiều người đã bắt đầu đi chợ lựa cho mình những thứ ngon nhất để về gói bánh. Các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần, người rửa lá, người đãi gạo, người gói, người nhóm lửa, thức thâu đêm bên nồi bánh chưng còn nghi ngút khói trên bếp.

Những đứa trẻ thích nhất là được mẹ cho đi chợ Tết cùng, được hòa vào dòng người tấp nập giữa những hàng hoa, hàng bánh trái đủ các sắc màu. Một lời hứa của mẹ cho đi chợ Tết cùng cũng khiến đám trẻ mất ăn mất ngủ mấy ngày liền, tâm trạng lúc nào cũng phấn chấn, “vui như Tết”. Nếu được sắm quần áo mới để chưng diện trong mấy ngày Tết thì không còn gì bằng. Ngoài ra, khi cả nhà quây quần gói bánh chưng, những đứa trẻ còn được bố, mẹ gói cho những chiếc bánh nhỏ xíu, xinh xắn để chơi Tết. Những kỷ niệm đó còn đẹp mãi trong ký ức của nhiều người, dù sau bao năm xa quê.

Trung tâm của ngày Tết chính là mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả phải thể hiện được năm yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, biểu trưng cho sự hòa hợp, sinh sôi nảy nở. Sau một năm tất bật với công việc, Tết chính là dịp để mọi người nghỉ ngơi, chăm chút cho bản thân và gia đình, trong đó không thể quên công đức của tổ tiên. Nhiều gia đình có nhà rộng, có ban thờ to sẽ chuẩn bị mâm ngũ quả bề thế với nhiều loại quả bắt mắt, vừa cúng tổ tiên, vừa để trang trí cho đẹp mắt. Có những gia đình chỉ có ban thờ nhỏ treo tường thì có thể bày mâm ngũ quả bé hơn. Dù lớn hay bé, mâm ngũ quả của mỗi gia đình đều được chăm chút tỉ mỉ, tỏ lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, ông bà.

Những ngày giáp Tết cũng là lúc mà những cánh hoa đào đầu tiên chớm nở, giữa bạt ngàn những cành khẳng khiu, tưởng như đã khô nỏ chợt nảy ra vài cái nụ chúm chím màu phớt hồng cũng làm cho Xuân đến nhanh hơn. Có đào là có Tết, đó là truyền thống của hầu hết người dân ở đồng bằng Bắc bộ, cũng giống như cây mai vàng thường được bà con từ miền Trung trở vào Nam háo hức chờ đợi lúc nắng Xuân bắt đầu rực rỡ. Sắc hoa đào khiến cho cái rét cuối Đông ở miền Bắc trở nên dịu lại, tiết trời như trở nên ấm áp hơn. Trong khi, hoa mai lại khoe cái sắc vàng óng ánh trong cái nắng dìu dịu ở miền Nam lúc Xuân về, khiến lòng người chộn rộn, lâng lâng.

Cũng chính ý nghĩa của cành đào ngày Tết mà đối với nhiều gia đình, chọn được một cành đào ưng ý thì coi như cái Tết đã trọn vẹn, đủ đầy. Việc chọn đào chơi Tết cũng lắm công phu, những người sành chơi đào ngày Tết thường chọn cho mình những cành thật già, có lớp vỏ sần sùi, đôi khi đã lún phún chút rêu xanh. Cành có già thì bông mới to, tươi được lâu, chậm tàn. Hơn thế, những cành đào già thường có màu sẫm, dễ làm nổi bật lên những cánh hoa mỏng manh, trong trẻo lúc vừa bung khỏi lớp áo nụ sau nhiều ngày “ngủ quên”. Những ngày giáp Tết, dành thời gian dạo qua các khu chợ bán đào, quất, dù có mua được hay không cũng thấy tâm hồn thư thái lạ thường.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện tập trung đông người bị hạn chế, không còn được tổ chức đông đúc như mọi năm, tuy nhiên, không khí Tết đến Xuân về vẫn luôn khiến mỗi người chúng ta mong đợi, chờ đón. Với những phong tục truyền thống, những nét đẹp văn hóa được lưu giữ trong mỗi cá nhân, gia đình người Việt, Tết Nguyên đán vẫn luôn là khoảng thời gian đem lại sự thư thái, vui vẻ, ý nghĩa sum vầy, đặc biệt là những giây phút ý nghĩa bên người thân, gia đình.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này