“Dư vị” Tết thời khu tập thể

08:23 | 12/02/2021
(LĐTĐ) “Ngày đó, khu tập thể nhỏ bé, chật chội nhưng niềm vui trong những ngày Tết lại được nhân gấp bội. Những ngày cuối năm, cả khu tập thể náo nhiệt hẳn lên. Nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp, lá dong và thực phẩm. Cứ đến 30 Tết, khi mọi nhà cúng trời đất, thổ công thổ địa xong là cả đoàn rủ nhau đi chúc Tết”, ông Nguyễn Huy Bạo, khu tập thể Khương Thượng, phường Trung Tự, quận Đống Đa bồi hồi nhớ lại.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại khu tập thể cũ Khu tập thể phường Phương Mai sáng hơn nhờ những dàn cây xanh

Khu tập thể là một cụm từ quen thuộc đối với những gia đình cán bộ, công nhân, viên chức thời bao cấp sau năm 1975. Hiện nay, tại những khu nhà mới xây đã không còn dùng từ khu tập thể nữa thay vào đó người ta gọi là chung cư, bởi các tính chất “tập thể” đã mai một đi khá nhiều khi bước vào thời buổi kinh tế thị trường.

“Dư vị” Tết thời khu tập thể
Ông Nguyễn Huy Bạo chia sẻ những ký ức về Tết. Ảnh: K.Tiến

Gắn bó với khu tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) gần 10 năm và gần 40 năm ở khu tập thể Khương Thượng (phường Trung Tự, quận Đống Đa), ông Nguyễn Huy Bạo cũng đã trải qua từng ấy cái Tết ở đây. Bởi vậy, ông cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của “hương vị Tết” ở khu tập thể qua những thời kì.

Theo ông Bạo, những cái Tết cách đây mấy chục năm còn gắn liền với giai đoạn đất nước bị cấm vận kinh tế, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây-Nam, khó khăn nối tiếp khó khăn. Ngày đó, người Hà Nội, kể cả các gia đình cán bộ cũng đều nghèo như nhau, vật chất thiếu thốn. Tất cả mọi thứ đều mua theo tiêu chuẩn tem phiếu, số lượng rất ít ỏi, vậy nhưng không khí Tết trong khu tập thể lại đến rất sớm và ấm áp. “Trong các chung cư hiện nay, tuy vẫn có sự giao tiếp, giao lưu vào dịp lễ, Tết nhưng chắc chắn rằng, ở khu tập thể của những năm 80-90 của thế kỷ 20 vẫn có không khí “đậm nét” hơn so với bây giờ”, ông Bạo chia sẻ.

Trong trí nhớ của ông, ngày còn bao cấp, khu tập thể nhỏ bé, chật chội nhưng niềm vui trong những ngày Tết lại được nhân gấp bội. Người ta chuẩn bị thực phẩm cho Tết từ trước đó 2-3 tháng. Hàng Tết thời bao cấp dù ít thì mỗi nhà cũng được mua vài cân gạo nếp, hộp mứt, gói chè, chai rượu, gói kẹo, miếng bóng bì và có cả một bánh pháo.

Thứ gì cũng phải xếp hàng để mua. Những ngày cuối năm, cả khu tập thể náo nhiệt hẳn lên. Nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp, lá dong và những thứ cần thiết để lo cho cái tết. Cứ đến 30 Tết, khi mọi nhà cúng trời đất, thổ công thổ địa xong là cả đoàn rủ nhau đi chúc Tết. Mà những ngày Tết ở khu tập thể cũng chỉ tập trung được hai bữa tối 30 và trưa mùng Một, còn thì lo đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, bạn bè, sáng ngày mùng 3 đã phải đi làm rồi.

Ngày ấy, người ta chỉ mừng tuổi chủ yếu cho con cháu trong nhà và các cụ già, số tiền chỉ là ước lệ, nhiều khi là mừng tuổi bằng mấy quả pháo tép. “Đặc biệt, khi việc nổ pháo còn chưa cấm thì bắn pháo hoa ngày Tết vốn là niềm yêu thích của lũ trẻ con. Các nhà ở khu tập thể thường rất ít khi dành bánh pháo độc nhất để đốt đêm giao thừa mà thường xé lẻ ra chia cho trẻ con đốt chơi từ trước Tết cả tuần. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt kèm theo những làn khói xám và mùi thuốc pháo lan tỏa trong không gian, gây niềm phấn khích rất đặc trưng của ngày Tết. Không khí Tết đến sớm là vì thế”, ông Bạo vui vẻ kể lại.

“Dư vị” Tết thời khu tập thể
Ảnh: K.Tiến

Không chỉ có ông Bạo, mà hàng nghìn con người đã và đang sinh sống trong các khu tập thể như khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Vĩnh Hồ, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, rồi các khu Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Nghĩa Tân, Vĩnh Phúc, Nam Ðồng…cũng chưa từng quên lối sống “tập thể” thuở ấy. Chị Nguyễn Thu Thủy, 42 tuổi, từng sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Kim Liên cho biết, nói đến khu tập thể cũ, chị nhớ đến những ống nước bằng nhựa, những ô cửa mắt cáo được cơi nới, những bể nước bê tông, những sân chơi, những quán nước dưới chân cầu thang bộ, những cửa sắt, cửa xếp. Những chiếc cửa sắt làm cho người trong nhà có thể nhìn ra hành lang hay người trong và ngoài có thể nói chuyện với nhau…

Sinh sống ở Hàn Quốc đã 5 năm nay, mỗi khi nhớ về quê nhà, điều chị Thủy nhớ nhất có lẽ là những cái Tết của thời xa xưa, lúc chị mới chỉ là đứa trẻ. Những ngày áp Tết thường là dịp may áo mới, háo hức nhất là lũ trẻ con. Ai cũng cố gắng mặc tươm tất, lịch sự trong mấy ngày Tết, cho dù nhiều khi cũng không có áo mới mà diện.

“Ngày nay, những khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước vẫn là một phần thân thương của Hà Nội. Ở những khu tập thể cũ vẫn còn có nhiều người già, người về hưu sinh sống. Chính điều đó cũng tạo nên thứ năng lượng “ấm” cho khu nhà. Không khí xuân giờ đây cũng đã đổi thay quá nhiều.

Thế nhưng với “những người muôn năm cũ” thì mỗi khi Tết đến, xuân về, bao kỷ niệm của một thời thanh bần mà ấm cúng lại xốn xang thương nhớ. “Đó là những cái Tết có giá trị đối với thế hệ chúng tôi. Dù vật chất không thể so sánh với bây giờ nhưng Tết luôn đầm ấm và chân tình. Những kỷ niệm thân thương ấy sẽ đi theo chúng tôi suốt cuộc đời, là những ký ức đáng nhớ mà nếu không trải qua sẽ không thấy được giá trị của những ngày đang sống hôm nay”, ông Nguyễn Huy Bạo bộc bạch.

Tiến Kim

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này