Triển khai hiệu quả chương trình “Điều ước cho em”

14:35 | 21/01/2021
(LĐTĐ) Để triển khai thành công chương trình “Điều ước cho em”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thu thập thông tin về những khó khăn, nhu cầu cần được hỗ trợ từ các nhà trường, nhất là các trường học ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lũ lụt…
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thí sinh đoạt giải 93 học sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021 Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng luôn nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội thông qua hoạt động đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng; góp phần giúp các nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Triển khai hiệu quả chương trình “Điều ước cho em”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao tặng áo ấm cho học sinh tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung thời gian qua; ngành Giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch, phần lớn các thiết bị dạy học bị mất mát, hư hỏng nặng... đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc học tập, dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, giáo viên, học sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan cùng phối hợp triển khai chương trình “Điều ước cho em”.

Để triển khai thành công chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thu thập thông tin về những khó khăn, nhu cầu cần được hỗ trợ từ các nhà trường, nhất là các trường học ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lũ lụt...

Cụ thể, chỉ đạo và giao Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát, cập nhật thông tin về những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ gồm: Nhu cầu hỗ trợ về cơ sở vật chất (sửa chữa và xây dựng mới nhà vệ sinh); nhu cầu hỗ trợ nước nước sinh hoạt, nước uống, thiết bị lọc nước sạch; nhu cầu hỗ trợ trang thiết bị bếp ăn (đối với trường tổ chức học 2 buổi/ngày); nhu cầu hỗ trợ đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân (quần áo cho học sinh), học liệu phục vụ giảng dạy tiếng dân tộc, sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập (bút, tẩy, thước kẻ...); nhu cầu hỗ trợ học sinh ăn trưa (đối với học sinh học 2 buổi/ngày).

Các thông tin này sẽ làm căn cứ để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành biết và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các tổ chức xã hội tại địa phương triển khai các hoạt động truyền thông về thực trạng khó khăn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh và truyền hình địa phương...; cử đầu mối cung cấp thông tin nhu cầu hỗ trợ và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm thực hiện việc tài trợ các cơ sở giáo dục giải quyết các khó khăn, góp phần triển khai thành công chương trình “Điều ước cho em”…

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này