Hoa chuối rừng xuống phố, Tết ấm lên bản Dao

15:52 | 15/01/2021
(LĐTĐ) Với mong muốn các em sinh viên người Dao được cọ xát với kỹ năng thương mại cơ bản để tự tin hơn trong cuộc sống, đồng thời tạo sự gắn kết cộng đồng, Ban đại diện “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc” đã tổ chức chương trình “Hoa chuối rừng xuống phố - Tết ấm lên bản Dao”.
Xây dựng mô hình công dân học tập Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly và nhiều sao hạng A cùng hội ngộ Táo Xuân Tân Sửu 2021 Đường 21B ùn ứ cục bộ sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch

Là người khởi xướng chương trình, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trưởng ban đại diện nhóm cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có khoảng 100 sinh viên người Dao đang theo học chủ yếu tại các trường Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội…

Đa số các em đều xuất thân từ các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh sống khó khăn, thậm chí có em còn bị khiếm khuyết về hình thể, chưa nói sõi tiếng Việt.

Bên cạnh đó, do từ các bản cao vùng sâu, vùng xa xuống Hà Nội học tập nên tính cách các em cũng rất nhút nhát, ngại giao tiếp, va chạm xã hội.

Hoa chuối rừng xuống phố, Tết ấm lên bản Dao
Phụ nữ dân tộc Dao bán hoa chuối rừng trước điểm trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Vì vậy, nhân dịp cận Tết Tân Sửu, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cùng Ban đại diện người Dao – Gắn kết từ bản sắc đã lên ý tưởng tổ chức chương trình bán hoa chuối rừng để gây quỹ giúp đỡ cho các em sinh viên nghèo người Dao.

Qua đó tạo cơ hội cho các em được cọ xát với kỹ năng bán hàng, kỹ năng thương mại cơ bản, tự tin hơn trong cuộc sống, đồng thời cũng là cơ hội gắn kết cộng đồng người Dao trên toàn quốc.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng chia sẻ, trong nếp sống của bà con người Dao, cây chuối rừng có nhiều tác dụng như: Làm món ăn trong gia đình, thức ăn cho gia súc; hoa chuối tươi giã nhỏ, vắt lấy nước uống trị bệnh giun sán; hoa chuối rừng còn là một vị thuốc quý để trị bệnh tim mạch; quả chuối hột phơi khô, thái lát đun nước uống để trị bệnh sỏi thận, hoặc dùng ngâm rượu có tác dụng bổ thận…

Những bình, chum hoa chuối chưng được trong thời gian khoảng 1 tháng, sau đó người mua có thể dùng hoa để chế biến món ăn, quả đem đi làm thuốc.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh sống và vị trí địa lý, bà con nơi đây lại chưa phát huy được hết giá trị thẩm mĩ của loài hoa này.

Hoa chuối rừng xuống phố, Tết ấm lên bản Dao
Hoa chuối rừng được nhiều người dân Hà Nội ưa chuộng vì thời gian chơi lâu, nhiều công dụng.

Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, sau nhiều năm làm việc tại Hà Nội, ông nhận ra rằng hoa chuối rừng là loài hoa rất được người dân Thủ đô ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp Tết. Mỗi cành hoa (bao gồm cả buồng chuối, hoa chuối – dài từ 80 – 1,3m) có giá giao động từ 100.000 – 200.000 đồng, riêng những cành có thế lạ có thể lên tới 700.000 đồng.

Đây chính là một cơ hội tốt giúp người dân tộc Dao có thể dùng sản phẩm tại nơi mình sống để nâng cao thu nhập cũng như gây quỹ để ủng hộ các hộ gia đình nghèo có thêm phần quà để đón Tết.

Với chương trình “Hoa chuối rừng xuống phố - Tết ấm lên bản Dao”, Tiến sĩ cùng Ban đại diện Dao – Gắn kết từ bản sắc kêu gọi kêu gọi người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đặt mua hoa chuối rừng – một loài cây mọc rất phổ biến ở các vùng núi cao phía Bắc để chơi Tết Tân Sửu 2021.

Theo đó, các bạn sinh viên sẽ chia sẻ thông tin về chương trình qua trang facebook của từng cá nhân và tiếp nhận các đơn đặt mua. Sau khi tổng hợp lại, đến ngày 16/12 (âm lịch), Ban Tổ chức sẽ về vùng hoa chuối rừng ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) để cắt, rồi vận chuyển bằng xe ô tô về đến Hà Nội vào ngày 18/12. Sau đó, các sinh viên sẽ trực tiếp mang đi giao cho các khách hàng.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cũng cho biết, toàn bộ kinh phí sau khi bán được sẽ dành để ủng hộ 15 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng với 15 trường hợp học sinh người dân tộc Dao nghèo ở các tỉnh thành có người Dao sinh sống. Ngoài việc hỗ trợ các bạn sinh viên, học sinh có thêm chi phí để trang trải cho dịp Tết như tàu xe, sách vở, quần áo,…

Bên cạnh đó, số tiền ủng hộ còn lại Ban tổ chức sẽ chuẩn bị khoảng 20 suất quà cho Ban đại diện người Dao các tỉnh trao cho 1 hộ nghèo của tỉnh đó. Thông qua hoạt động này, từng bước tạo thói quen và nét văn hoá đẹp cho cộng đồng dân tộc Dao trong tương lai.

“Cùng với việc gây quỹ, tôi cũng mong muốn, thông qua chương trình các bạn sinh viên người Dao sẽ được đào tạo kỹ năng mềm trong việc buôn bán, ứng xử các tình huống thương mại. Đó là những kỹ năng, tư duy cần thiết để giúp các bạn ấy và gia đình của mình thoát khỏi cái nghèo”, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng bộc bạch.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này